Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc

(NTO) Mẹ tôi nay đã ngoài 80 tuổi, nghe chú láng giềng hỏi: Ông Năm Cọp ra đi rồi chị biết không? Bà thở dài: Thương chú Năm quá, ngày ông nhà tôi còn sống tháng nào cũng đón xe đò kéo lê cái nạng gỗ từ Tuy Phong, Bình Thuận ra Phan Rang thăm ông ấy. Vậy là ông nhà tôi có dịp được gặp đứa em kết nghĩa hồi kháng chiến nơi chín suối để bầu bạn. Nói xong, mắt bà nhìn vào xa xăm như hồi tưởng lại chuyện ông Năm Cọp và chồng mình những lúc họ gặp nhau hàn huyên thời đánh giặc, rồi những giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống gò má nhăn nheo của cụ.

 
Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).Ảnh: Văn Miên

Tôi vốn chỉ là bậc con cháu, mỗi khi bạn chiến đấu đến thăm cha có bổn phận pha trà, rót nước mời để các cụ bầu bạn. Người nói phải có người nghe, vả lại tôi cũng nguyên là sĩ quan quân đội, nên mấy chú bảo: Cháu ngồi đây nghe cho biết. Thế là ngẫu nhiên tôi được nghe chuyện các cụ thời đánh Pháp, Mỹ và đôi lúc cũng xen vô bình luận cho thêm phần sinh động. Các cụ là lớp người nghèo khổ, tha phương cầu thực thời niên thiếu đến Ninh Thuận, đất đai không, tiền của không, đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn... Cha tôi và chú Năm Cọp cùng là lính khố xanh nhưng làm cơ sở liên lạc cho ta. Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, hai cụ rủ nhau vào bộ đội địa phương Ninh Thuận. Có lần đang nói chuyện, bất chợt cha tôi quay sang hỏi: Con có biết tại sao Ninh Thuận nằm ở cực Nam Trung Bộ? Sinh sau đẻ muộn, lớn lên ở miền Bắc sao tôi biết được, nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, cụ giải thích: “Cực” là cực khổ, trong kháng chiến do Ninh Thuận nằm giữa nơi Khu 5 với không vào và Khu 6 với không ra. Chú Năm Cọp tiếp lời: Năm 1947, ba con với chú lúc đó thuộc Trung đội bộ đội tỉnh đóng quân tại núi Cà Đú, gạo không có ăn, các chú quần áo mặc chung hai người một bộ. Để có lương thực, quần áo cho kháng chiến, đơn vị phân công hằng ngày thay nhau: Số mặc quần áo xuống dân làm thuê kiếm gạo, mua quần áo mặc, người không có quần áo có nhiệm vụ cảnh giới, quan sát tình hình lính Pháp di chuyển. Thật may hồi đó núi Cà Đú rừng cây lúp xúp, nhiều hang đá chứ như bây giờ quay phim từ trên cao có lẽ chúng tưởng mấy chú là người rừng. Chuyện lương thực, quần áo tự lo là vậy, còn vũ khí thì cả trung đội có vài khẩu súng trường, dăm viên đạn trang bị cho trung đội trưởng-phó, chiến sĩ thì giáo mác, gậy tầm vông. Để có súng đạn chỉ còn cách lấy của địch trang bị cho ta theo kiểu “đánh trộm” (đánh tập kích: Bất ngờ, đánh nhanh và rút nhanh). Chú Năm chỉ bức ảnh trên tường hình ba tôi tay đang giương khẩu súng thượng liên của Pháp, rồi nói: Con thấy ba con oách không, mấy cô thôn nữ mê ba cháu chính vì sự mạnh mẽ của người lính. Khẩu súng là chiến lợi phẩm lần các chú tập kích tiểu đội bộ binh Pháp đi tuần đoạn đường qua ruộng lúa nối hai làng, ba con lúc đó là trung đội trưởng, sau này ổng giữ khẩu súng đó luôn.

Kháng chiến chống Pháp gian khổ, thiếu thốn đủ bề nhưng không ác liệt bằng chống Mỹ. Nhất là những năm 69, 70, 71, 72, Mỹ-Ngụy tăng cường càn quét, khủng bố hòng xóa trắng các cơ sở cách mạng bên trong, đẩy lực lượng ta ra khỏi đồng bằng. Ba con và các chú tản về bám làng, bám xã, dựa vào dân để xây dựng cơ sở, lực lượng, mạng sống con người lúc đó như treo trên sợi tóc, địch chủ trương “giết nhầm còn hơn bỏ sót”… Câu chuyện đang hấp dẫn, bất ngờ chú Năm hỏi tôi: Này, con có thấy trên người ba con có gì đặc biệt không? Rồi ông nói, ba con cao số đấy, mảnh đạn, mảnh mìn đầy người nhưng ở phần mềm, chỉ có viên đạn thời chống Pháp chúng bắn vào hông sát cột sống nên giờ trái gió trở trời nó hành hạ ổng, con nhớ chăm sóc động viên ba. Nghe chú Năm Cọp kể, ba tôi góp thêm: Ba và chú Năm vào sống ra chết mấy chục năm kháng chiến, ổng cũng thương tật đầy mình lại còn mất một chân bởi mìn cóc của địch trong trận càn vào An Phước tháng 3-1973. Vâng, những trận đánh giặc vây ráp, càn quét, đạn pháo, bom rơi gầm xé, cảnh đồng đội hy sinh, thương tật, rồi đói, khát… đã không khuất phục được ý chí chiến đấu quên mình vì Tổ quốc của họ.

Chuyện thời kháng chiến của các cụ là bài ca bất tận, lứa hậu sinh như tôi được nghe, cảm nhận chất bi tráng, hào hùng của người lính cụ Hồ. Tôi tự hỏi, liệu giờ đây trên địa bàn tỉnh còn bao nhiêu cụ đang sống đã trực tiếp cầm súng tham gia hai thời kỳ kháng chiến và chắc chắn trên mình họ mang thương tích của chiến tranh. Đó chính là dấu ấn về biểu tượng tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc của những người lính Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mãi mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào, là điểm tựa cho mỗi chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.