Hướng phát triển của nhóm nuôi dê sinh sản ở thôn Láng Me

(NTO) Láng Me là một trong 3 thôn của xã Bắc Sơn, thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Thuận Bắc. Ngoài phát triển diện tích đất lúa khoảng 120ha, người dân nơi đây chủ yếu tập trung chăn nuôi gia súc là chính. Sự hỗ trợ của Dự án HTTN, bước đầu trên địa bàn thôn đã hình thành những nhóm sở thích phát triển các chuỗi giá trị thế mạnh, trong đó nhóm nuôi dê sinh sản đã đạt được những kết quả khả quan.

Toàn thôn Láng Me có tổng đàn gia súc gần 900 con, trong đó có khoảng 180 bò, 600 dê và 100 cừu nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, người dân thôn Láng Me rất chú trọng vào đàn dê, bởi đây là một trong những vật nuôi có thể mang lại hiệu quả nhanh và tạo hướng sinh lợi thoát nghèo hiệu quả. Từ định hướng có sẵn, để phát triển chuỗi giá trị dê tại địa phương, đầu năm 2014, nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê sinh sản thôn Láng Me được thành lập, với 6 hộ thành viên, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, do anh Trần Văn Hoàng làm nhóm trưởng.

 
Đàn dê sinh sản của nhóm cùng sở thích thôn Láng Me phát triển tốt.

Mặc dù được thành lập từ năm 2014, nhưng do thời tiết hạn hán kéo dài nên việc hỗ trợ con giống cho nhóm lùi lại, đến tháng 10-2015. Nguồn Quỹ CSG đã hỗ trợ và giải ngân cho nhóm 25 con dê, trong đó mỗi hộ nhận nuôi 4 con dê cái và trưởng nhóm nhận thêm 1 dê đực để phối giống, tổng kinh phí 108 triệu đồng, các hộ bỏ vốn đối ứng 20%, còn lại dự án hỗ trợ hoàn toàn, bao gồm cả tiền chuồng trại và thuốc thú y để chăm sóc đàn dê. Theo anh Trần Văn Hoàng, đến thời điểm này, đàn dê của nhóm đã đẻ được 22 con, gồm 12 dê cái và 10 dê đực, hiện nhiều con đang cấn chửa và nếu thuận lợi, cuối năm nay, tổng đàn có thể sẽ tăng lên khoảng 60 con. Một điều đáng ghi nhận của nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê sinh sản thôn Láng Me là dù đang mùa khô hạn, gặp nhiều khó khăn về thức ăn, nước uống nhưng các hộ chăn nuôi vẫn có hướng phát triển, chăm sóc và gầy đàn rất tốt. Hầu hết, các hộ thành viên đều có trồng thêm diện tích cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn dê. Anh Trần Văn Hoàng cho biết thêm, hầu hết các hộ thành viên đều đã có kinh nghiệm trong chăn nuôi, đặc biệt là dê. Bên cạnh đó, trước thời điểm nhóm chờ nhận con giống, các thành viên cũng đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phát triển dê sinh sản do dự án đào tạo nên bà con rất tự tin khi nhận con giống về nuôi. Trao đổi với chúng tôi, chị Võ Thị Đọt, một trong những hộ thành viên được dự án hỗ trợ con giống, vui mừng cho biết: Sau khi nhận 4 dê cái từ dự án, gia đình mạnh dạn vay thêm tiền mua thêm 4 con dê để nuôi theo đàn cho nhanh phát triển hơn. Dự án HTTN đã tạo điều kiện cho bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Kết quả hoạt động bước đầu của nhóm nuôi dê sinh sản thôn Láng Me mang lại phải nói là rất tích cực. Không chỉ chú trọng phát triển đàn bền vững, được biết mục tiêu của nhóm là đến cuối năm nay khi đàn phát triển mạnh, sẽ lựa chọn thêm một đến hai thành viên hộ nghèo, cận nghèo kết nạp vào nhóm. Ngoài mục đích phát triển mở rộng chuỗi giá trị nuôi dê trên địa bàn, đây còn là cơ hội để cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn khác có thêm điều kiện và động lực để vươn lên, hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững theo đúng với mục tiêu dự án đề ra.