Viết ngắn:

Cần khắc phục lòng đố kỵ từ chính mình

(NTO) Sự đố kỵ là một dạng tâm lý tiêu cực liên quan đến bản chất con người. Với lứa tuổi muốn thể hiện mình, tính đố kỵ lại càng mạnh mẽ và dữ dội hơn. Khi thấy người khác hơn mình, họ thường nảy sinh tâm lý ghen ghét xen lẫn sự ngưỡng mộ, khâm phục.

Trong xã hội hiện nay, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến. Tính đố kỵ thường không thích những ai có điều gì đó hơn mình. Khi đi học, ghen ghét với người học giỏi hơn, tại cơ quan đố kỵ với người giỏi chuyên môn, được tín nhiệm, đạt nhiều danh hiệu cao quý hơn. Tính đố kỵ dễ sinh ra ác tâm, luôn mang trong lòng sự thù ghét, thậm chí nghĩ ra cách làm hại người khác để thỏa mãn mình..

Ganh ghét, đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống. Nó cũng đa dạng về sắc thái và cung bậc tình cảm. Một nhà văn người Pháp đã nhận định: “Người có tính đố kỵ sẽ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong lòng anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu”.

Bởi thế, sự ganh ghét, đố kỵ sẽ phá hoại mối quan hệ giữa người với người. Vì ganh ghét, đố kỵ mà hòa khí bị rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người khó sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.

Nguyên nhân của người có tính đố kỵ là do thiếu tự tin, mặc cảm, mà lại quá tự cao, tự đại. Có thể còn do lối sống cô độc, ít giao tiếp và thói quen hay chỉ trích, châm chọc người khác. Một số do cuộc sống thiếu tình cảm hoặc thường xuyên gặp thất bại trong cuộc sống, luôn cảm thấy người khác sung sướng, hạnh phúc và may mắn hơn mình.

Trong cuộc sống mỗi người, lòng đố kỵ là cuộc chiến mà ta phải loại trừ ngay từ đầu. Chúng ta vượt qua nó bằng cách, thay vì cứ nhìn theo người khác thì hãy nhìn lại mình. Nên mở rộng tầm mắt để thấy rằng: Núi cao sẽ còn có núi cao hơn; người này giỏi, tất có người khác sẽ giỏi hơn. Đây là quy luật khách quan trong cuộc sống mà tất cả chúng ta đều phải thừa nhận.

Mỗi người nên đề cao những sở trường của mình trong khả năng cho phép. Chỉ cần nhận rõ và tìm cách phát huy thế mạnh đó, biến sự đố kỵ thành động lực để tiếp tục phấn đấu và vươn đến thành công.