CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Sao lại sợ… thoát nghèo!

(NTO) Hôm rồi anh bạn học cũ của tôi có lẽ do dừng sản xuất vì kênh dẫn nước được kiên cố hóa nên thong thả đến thăm chơi. Anh quả là “kho” kinh nghiệm làm nông, từ chăm sóc cây lúa ra sao để đạt năng suất cao nhất, đến áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào cây nho như hiệu quả kinh tế của tưới nhỏ giọt không chỉ đơn thuần tưới nước mà còn…bón phân, thuốc nhỏ giọt…làm cho tôi hiểu thêm nhiều điều về nghề nông thời “kỹ thuật-công nghệ” này. Đang sôi nổi bàn chuyện làm giàu từ cây trồng, anh bạn tôi cắc cớ hỏi: Sao lại có nhiều người muốn được làm hộ nghèo vậy ông?. Rồi anh kể nơi anh ở có những hộ lẽ ra đã… thoát nghèo từ lâu, gia đình cũng gọi là có của để dành nhưng vẫn muốn làm hộ nghèo!. Lại có hộ còn khó khăn, nghèo thật do không có điều kiện làm ăn, mất sức… nhưng chờ xét hộ nghèo lại chưa được, chỉ “được” hộ cận nghèo…Thoạt nghe, chuyện tưởng như đùa, nhưng lại là có thật.

Nhiều nông dân ở các xã vùng cao phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
(Trong ảnh: Anh Chamleá Sâm ở xã Phước Trung, Bác Ái, mua sắm máy cày phục vụ sản xuất. Ảnh: Sơn Ngọc

Xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nhiều chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người nghèo như bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh, miễn giảm học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây dựng nhà ở đến hỗ trợ xuất khẩu lao động…đều nhằm mục đích giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Đối với tỉnh ta, những năm qua, người nghèo trên địa bàn tỉnh không chỉ được quan tâm đầu tư các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng mà còn được tạo mọi điều kiện như hỗ trợ vay vốn sản xuất, con giống, tập huấn, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhà ở, cấp thẻ BHYT… Nhờ những chính sách hỗ trợ như đã nêu, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đáng kể. Nhiều người nghèo đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Tuy nhiên, trước những ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo đã làm không ít hộ có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ Nhà nước không muốn thoát nghèo...

Để chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước thực sự mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, các ngành, địa phương cần tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo đến cán bộ cơ sở và người dân để hiểu rõ và cùng chung tay thực hiện. Mặt khác, để chính sách này đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, đến được với tất cả những hộ nghèo thực sự, cần phải công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục bình xét hộ nghèo và các quy định đó thực sự có tính thiết thực, hợp lý, khả thi, phù hợp với điều kiện từng vùng miền. Điều cũng không kém phần quan trọng là cùng với việc khơi dậy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc chung tay giúp đỡ người nghèo cần động viên, khuyến khích người nghèo ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước...Có như vậy mới xóa dần tâm lý sợ…thoát nghèo!.