Chuyện "kinh tế vỉa hè"

(NTO) Đầu giờ làm việc buổi sáng, cô gái vốn được mọi người coi là mẫu phụ nữ dịu dàng tỏ vẻ bực dọc: Tức ơi là tức, dừng xe máy ven đường vài phút để nghe điện thoại, ai dè con bé bán trái cây trên vỉa hè lấy giấy đốt phun khói xua đuổi cứ như mình là tà ma vậy.

Thấy vậy, chị cùng cơ quan phổ biến kinh nghiệm: Ừ, họ cứ coi vỉa hè như là sở hữu riêng của mình, tốt nhất là nên tránh những nơi người ta làm ăn ra. Vẫn chưa nguôi, cô gái phân trần: Đấy chị xem, em dừng xe dưới lòng đường có liên quan gì đến vỉa hè mà con nhỏ nó hành xử như vậy. Nghe hai người trao đổi, anh trưởng phòng lên tiếng: Vỉa hè giờ là nơi mọi người, mọi nhà đua nhau làm ăn, nếu các nhà kinh tế học chúng ta nghiên cứu về nền “kinh tế vỉa hè” thì biết đâu khi công bố ra thế giới lại đoạt giải Nobel kinh tế!? Do đó, chẳng có gì lạ việc người ta xua đuổi ai đó lúc sáng sớm đứng chắn khu vực vỉa hè nơi buôn bán, sinh sống của họ.

Nghe chuyện trên, anh bạn đang theo học cao học chuyên ngành Hành chính công vốn chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện gì ngoài công việc, bỗng dưng hỏi: Này, ông có biết nền “kinh tế vỉa hè” là gì không? Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Chắc ông định chọn làm đề tài nghiên cứu cho luận án tốt nghiệp phải không? Không, nghe chuyện kinh tế vỉa hè mình liên tưởng tới việc bà xã đang làm việc ở cơ quan nhà nước có thu nhập ổn định lại có ý định xin nghỉ việc. Thế rồi, anh cho biết: Cô ấy hỏi thăm biết nhỏ bán bánh bèo, yaourt phía trước vỉa hè gia đình mình mỗi ngày chỉ ba, bốn tiếng nhưng thu nhập mỗi tháng chục triệu đồng. Và ví von: Công việc nhàn hạ lại lo được việc nhà, chứ làm nhà nước đã hơn hai chục năm, áp lực công tác, thời giờ làm việc nhưng lương chỉ năm, sáu triệu đồng không đủ trả tiền học thêm cho hai đứa con. Nghe có lý và hấp dẫn, mình phải khéo léo khuyên cô ấy rằng ai cũng có nghề, mình mà buôn bán chưa biết chừng lãi không thấy nhưng vốn cứ teo dần, thôi thì ráng làm ít năm nữa rồi xin nghỉ hưu trước tuổi chuyển sang buôn bán kinh doanh cũng không muộn. Nghe anh chia sẻ chuyện gia đình mới biết kinh tế vỉa hè có sức hút đến như vậy. Nếu ai đó để ý quan sát các con đường lớn, đường trung tâm của thành phố chúng ta sẽ thấy sự đông đúc, nhộn nhịp của của các cửa hàng kinh doanh, các quán cà phê, nước giải khát, quán ăn, nhậu đang ngày ngày xâm lấn vỉa hè, nơi vốn chỉ dành cho người đi bộ sẽ thấy sức hấp dẫn nơi vỉa hè. Chuyện chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán đã trở thành việc bình thường và cứu cánh của biết bao gia đình trong các đô thị cả nước và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Theo đề tài của nhóm nghiên cứu “Kinh tế vỉa hè” thuộc Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tại thành phố Hồ Chí Minh, quá trình khảo sát trên 35 tuyến đường trọng điểm với chiều dài khoảng 4,7km, có gần 500 trường hợp buôn bán lưu động và 2.100 trường hợp buôn bán cố định, hơn 5.000 trường hợp các hộ lấn ra vỉa hè buôn bán. Trong đó, 33% kinh doanh ăn uống, 44,3% kinh doanh dịch vụ, 22,7% kinh doanh khác. Vì sao? Theo nhóm nghiên cứu thì chủ yếu do vỉa hè là nơi việc làm kiếm sống phù hợp, chỉ có 4% do chưa có việc làm phải tham gia kinh doanh trên vỉa hè.

Từ thực tế và kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy, đặc thù riêng của Việt Nam về “kinh tế vỉa hè” đã giải quyết nhiều khó khăn về việc làm và đời sống của người dân đô thị và những người nghèo từ các vùng nông thôn đến đây mưu sinh. Ích lợi đã rõ nhưng hệ lụy của nó là những vấn đề đang làm đau đầu các nhà quản lý đô thị. Kinh doanh vỉa hè không chỉ chiếm vỉa hè, có nơi còn tràn xuống lòng đường, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và làm xấu đi mỹ quan các tuyến phố và cả thành phố. Xã hội văn minh không thể tồn tại nền “kinh tế vỉa hè” với kiểu mạnh ai nấy làm, chiếm vỉa hè cho riêng mình để rồi ích riêng, hại chung. Để xây dựng đô thị văn minh, xanh-sạch-đẹp rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền với những giải pháp cụ thể, triệt để và sự đồng thuận tham gia của toàn xã hội, trả lại vỉa hè với đúng bản chất, công năng vốn có của nó nơi đô thị.