Hướng làm ăn mới của nông dân Phước Vinh

(NTO) Những năm qua, xã Phước Vinh (Ninh Phước) là địa phương thường xuyên đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng gắn với chuỗi liên kết để không những đạt hiệu quả về kinh tế từ cây trồng mà còn ổn định được đầu ra cho sản phẩm.

Mô hình trồng ớt chỉ thiên Hàn Quốc tại 2 thôn Phước An 1 và Liên Sơn 1 liên kết với doanh nghiệp là Công ty Vườn Hạnh Phúc của Hàn Quốc bao tiêu sản phẩm cho nông dân là một điển hình, bước đầu đã cho nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, qua một vụ trồng thử nghiệm cho thấy sản phẩm sau khi thu hoạch, doanh nghiệp sẽ đến tận nơi thu mua với giá 13.500 đ/kg, trừ các khoản chi phí nông dân vẫn còn lãi bình quân 20 triệu đồng/sào/vụ, tương đương 200 triệu đồng/ha/vụ- mức lợi nhuận không nhỏ đối với sản xuất hiện nay.Được biết, ở địa bàn 2 thôn nói trên nông dân trồng với diện tích 10 ha ớt. Theo các nông hộ, chỉ trong vòng 3 tháng từ khi trồng đã cho thu hoạch và sẽ liên tục thu hoạch 3 lứa trong năm, tùy thuộc thổ nhưỡng, phương pháp chăm sóc của mỗi nông hộ. Ớt thu hoạch xong sẽ được Công ty Vườn Hạnh Phúc trực tiếp đến thu mua theo hợp đồng từ đầu vụ, qua sơ chế sẽ xuất sang Hàn Quốc.

Nông dân thu hoạch ớt tại thôn Phước An 1 (xã Phước Vinh, Ninh Phước).

Nông dân Lê Duy Quang (thôn Phước An 1, xã Phước Vinh) thổ lộ: Đầu năm 2016, tôi nghe thông tin từ chính quyền địa phương là có công ty của Hàn Quốc đến địa phương hợp tác, đầu tư vốn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng ớt chỉ thiên… nên đăng ký trồng. Lúc đầu ký hợp đồng cũng lo lắm, mặc dù bên công ty Hàn Quốc có cử kỹ sư xuống xem xét điều kiện thổ nhưỡng và hỗ trợ vốn cho nông dân, nhưng vì ớt trồng tốn nhiều công như: làm cỏ, bắt sâu, bón phân… nên cũng ít hộ đăng ký tham gia. Hiện nay, diện tích ớt của gia đình đang trong thời kỳ thu hoạch, năng suất cao nên rất an tâm. Trong thời gian đến, đề nghị địa phương làm việc với công ty, để bà con được hỗ trợ thêm về giống, phân bón, mở rộng diện tích trồng ớt, bên cạnh đó cũng mong công ty tăng giá bao tiêu, được vậy chắc là sẽ có nhiều nông hộ mở rộng diện tích và ký hợp đồng trồng ớt như gia đình tôi.

Đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết: Thời gian bà con bắt đầu trồng là vào tháng 2-2016, với vốn đầu tư ban đầu của Công ty Vườn Hạnh Phúc cho mỗi nông hộ là 4 triệu đồng/sào, trong đó gồm 1,25 triệu đồng tiền mặt, 1,5 triệu đồng tiền giống và 1,25 triệu đồng tiền phân bón, theo như hợp đồng ban đầu thì ớt được bao tiêu với giá ổn định là 13.500 đ/kg, năng suất bình quân là 5-6 tấn/ha. Sau khi bà con trồng thử nghiệm vụ đầu tiên cho kết quả rất khả quan. Trong thời gian đến, về phía chính quyền địa phương cũng mong muốn bà con tiếp tục nhân rộng diện tích trồng ớt theo mô hình này, vì quy trình kỹ thuật dễ hiểu, dễ làm đối với bà con, lại cho năng suất cao, thu nhập ổn định, rất phù hợp trong điều kiện hạn hán của tỉnh hiện nay.

Có thể nói, mô hình trồng ớt nêu trên đã thêm một lần khẳng định tính hiệu quả về mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và có sự tham gia giám sát, hỗ trợ của nhà quản lý và địa phương. Mô hình là hướng đi mới, cần được quan tâm để mở rộng trong thời gian tới, hướng sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa nông sản sạch phục vụ xuất khẩu không chỉ sang thị trường Hàn Quốc mà cả thị trường thế giới và các nước trong khu vực.