Phun thuốc diệt muỗi không phải là biện pháp chủ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh do vi-rút Zika

(NTO) Năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát động phong trào diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết (SXH) với khẩu hiệu: “Không có bọ gậy/lăng quăng, không có SXH”.

Muỗi vằn (Aedes Aegypty) sống chủ yếu trong nhà và quanh nhà, hút máu người (là chính), cần 2-3 ngày tiêu hóa máu và đẻ trứng vào bất cứ nơi nào có nước (trong, yên tĩnh), trứng muỗi nở thành lăng quăng, lột xác biến thành muỗi. Chu kỳ từ lúc đẻ trứng, thành lăng quăng rồi đến nở thành muỗi tùy thuộc vào nhiệt độ không khí mà có thời gian là 7 ngày cho đến 14 ngày, trời càng nóng, trứng nở thành muỗi càng nhanh, đã lý giải vì sao vào mùa nắng, muỗi phát triển nhiều và bệnh SXH tăng rất cao.

Tính đến ngày 29-4-2016, toàn tỉnh đã có 305 ca mắc SXH. Qua thực tế Đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe tỉnh thực hiện giám sát cùng với cán bộ y tế xã, phường thuộc huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm từ ngày 13-4 đến ngày 28-4-2016, những địa phương có nhiều ca mắc SXH là do nhiều hộ gia đình dùng vật chứa nước có lăng quăng; có nhiều xã tỷ lệ hộ gia đình có lăng quăng lên đến hơn 50% số hộ được giám sát ngẫu nhiên, trong khi tỷ lệ chỉ > 10% là có nguy cơ có dịch. Thực tế công tác truyền thông về diệt lăng quăng để phòng chống dịch SXH và bệnh do vi-rút Zika đã được tuyên truyền đến từng thôn và truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình qua mạng lưới y tế thôn nên người dân biết khá rõ nguy cơ muỗi vằn đốt làm lan truyền bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika, nhưng thực hiện việc diệt lăng quăng để không thành muỗi vắn thì lại rất lơ là. Trong cuộc họp với chính quyền địa phương, có ý kiến cho là người dân còn trông đợi việc phun thuốc diệt muỗi của ngành Y tế hơn là việc thực hiện diệt lăng quăng.

Thuốc diệt muỗi (nhóm Permethrine) có quy định chỉ được phun khi số lượng muỗi tăng quá cao, có nguy cơ bùng phát thành dịch hoặc phun theo vùng có ổ dịch SXH nhỏ và thuốc chỉ có tác dụng diệt được muỗi trưởng thành (muỗi đang bay), mà không có tác dụng với lăng quăng trong nước. Nên ngành Y tế thường yêu cầu địa phương phải tổ chức diệt lăng quăng trước một hoặc hai ngày rồi mới tiến hành phun thuốc thì mới có hiệu quả là giảm nhanh số lượng muỗi trưởng thành. Nếu không diệt lăng quăng, số muỗi con lại tiếp tục nở ra từ lăng quăng và số lượng muỗi trong cộng đồng lại phát triển. Muỗi vằn sống quanh ta, là nguyên nhân làm cho bệnh SXH lưu hành quanh năm, bùng phát mạnh vào đầu mùa mưa; nay y học lại phát hiện muỗi vằn còn làm lan truyền bệnh do vi-rút Zika gây chứng bệnh teo não trẻ sơ sinh ở phụ nữ có thai bị nhiễm.

Mong rằng, mọi người, mọi nhà hưởng ứng, thực hiện ngay việc diệt lăng quăng bằng những công việc đơn giản như: Cọ súc lu, hồ chứa nước hàng tuần để loại trừ trứng muỗi; vài ngày thay nước bình hoa, bỏ muối vào chén nước kê chân tủ đựng thức ăn; đậy kín các lu, hồ trữ nước, thả cá nhỏ vào những hồ, lu khó súc rửa để cá ăn lăng quăng; thu dọn sạch những vật chứa nước không dùng, những chai, lọ, gáo dừa, vỏ xe, mảnh sành, hộp lon, bao bị nylon quanh nhà; khơi thông những nơi đọng nước. Dọn dẹp nhà thông thoáng để không có chỗ muỗi nấp; diệt muỗi bằng thuốc xịt muỗi, vợt điện; chống muỗi đốt bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, bôi thuốc chống muỗi cho học sinh thức học bài khuya… Số người lớn mắc SXH ngày càng tăng và có dấu hiệu chuyển nặng nhiều nên khuyên rằng không chủ quan coi thường việc muỗi đốt. Thời tiết cũng đang có dấu hiệu chuyển mưa, nguy cơ có khả năng muỗi sẽ phát triển mạnh, nên các địa phương cần tổ chức thực hiện diệt lăng quăng quyết liệt, đồng bộ, nhiều đợt để phòng bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika cho cộng đồng.