Vấn đề hôm nay:

Đào tạo cần gắn nhu cầu việc làm!

(NTO) Có thể nói, một trong những vấn đề quan trọng để xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Với đặc thù nông thôn của tỉnh nhất là vùng đồng bằng, đó là bình quân ruộng đất/người thấp, phần lớn chỉ tập trung sản xuất lúa nên thời gian nông nhàn cao. Do vậy, nhiều lao động phải làm các nghề phụ để có thêm thu nhập.

Dân gian thường nói “ruộng mẫu bề bề không bằng một nghề trong tay”, chính vì lẽ đó việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua được tỉnh ta chú trọng chỉ đạo thực hiện. Chỉ tính trong 5 năm 2011-2015, từ nguồn kinh phí chương trình MTQG Việc làm- Dạy nghề và các chương trình khác, toàn tỉnh tổ chức gần 660 lớp dạy nghề với trên 20.370 lao động nông thôn tham gia. Trong đó, có 14.140 lao động học nghề nông nghiệp và trên 5.960 người học nghề phi nông nghiệp. Đáng nói là theo thống kê của ngành chức năng có trên 79,24% số lao động nông thôn sau học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng, hay tự tạo việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Theo báo cáo của ngành lao động, kết quả chuyển dịch cơ cấu lao động giai đoạn nói trên cho thấy, ngành Nông-Lâm -Ngư nghiệp giảm bình quân mỗi năm 0,74%; ngành Công nghiệp- Xây dựng tăng bình quân mỗi năm 0,14%; ngành Dịch vụ tăng bình quân mỗi năm 0,88%.

 
Thanh niên xã Lợi Hải (Thuận Bắc) được học nghề may công nghiệp tại địa phương. Ảnh: Anh Tuấn

Ngoài ra, hiệu quả còn mang lại là đã tạo chuyển biến cơ bản trong nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhận thức về học nghề, việc làm của người dân ngày một tích cực hơn, bởi đây là cơ sở để có thể tìm kiếm cơ hội được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp gắn với chuyển giao kỹ thuật, giống trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện từng địa phương, giúp lao động nông thôn triển khai vận dụng vào thực tế sản xuất…mặc dù được triển khai thực hiện nhưng kết quả đem lại không như mong muốn. Đặc biệt, một số nghề nông nghiệp như trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản…hướng dẫn người nông dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất được nhiều người học lựa chọn, song để phát huy hiệu quả kinh tế đòi hỏi có sự đầu tư lớn, trong khi mức vay hỗ trợ ưu đãi còn thấp. Điều này khiến không ít nông hộ sau khi học nghề đành phải bỏ ngang hoặc làm không tới nơi tới chốn vì khó khăn về vốn và kỹ thuật. Một bất cập nữa là, tinh thần tự giác học nghề của người dân chưa cao. Một bộ phận không nhỏ người lao động chưa nhận thức đầy đủ, chưa coi việc học nghề là nhu cầu thiết yếu để có thêm việc làm hay đơn giản là để nâng cao tay nghề. Đồng thời, một số nghề đào tạo không trúng với nhu cầu của người sử dụng lao động. Một số nghề phi nông nghiệp không “hút” được lao động tham gia học, mặc dù nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh rất cần...

Để việc dạy nghề, học nghề cho lao động nông thôn thực sự phát huy hiệu quả, yêu cầu đặt ra là cần lựa chọn đúng những người có nhu cầu thực sự học nghề để dạy nghề. Việc phát triển ngành nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, gắn dạy nghề với thị trường lao động và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...Điều mà nhiều người dân mong đợi là công tác tư vấn, định hướng nghề cho lao động phù hợp với điều kiện của từng địa phương để từ đó tạo sự hài hòa giữa lao động chọn đúng nghề, với dạy đúng nghề, đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Muốn vậy, các địa phương cần tổ chức khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu loại nghề mà nông dân cần học, gắn đào tạo với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế cho thấy, nhu cầu học nghề của nông dân khá đa dạng với nhiều đối tượng khác nhau nên không thể đào tạo theo kiểu chung chung, tổng hợp, không phân biệt độ tuổi, điều kiện từng người, từng vùng. Việc tìm “đầu ra” ổn định cho số lao động đã qua đào tạo cũng là một trong những vấn đề trọng tâm. Để giải quyết tốt điều này, đòi hỏi địa phương, các cơ sở đào tạo phải hạn chế đào tạo đại trà, chủ động chuyển sang đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, “bắt tay” các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo và cam kết sử dụng lao động sau khi đào tạo...