Giá trị của lòng biết ơn

(NTO) Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ hay than phiền về sự vô tâm, thụ hưởng một cách rất ích kỷ của con cái. Dường như giới trẻ chỉ biết hưởng thụ và yêu cầu "quyền" của bản thân, mà quên mất đi "bổn phận" của mình. Khá nhiều trẻ em hiện nay không đụng tay vào công việc gì, phó mặc hết cho ông bà, cha mẹ, chỉ biết việc học và chơi. Ra đường thấy người cần sẻ chia, giúp đỡ thì ngoảnh mặt và dửng dưng.

Tùy vào độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ có thể tâm sự với con mình những vất vả, khó khăn như thế nào khi nuôi nấng con nên người và ông bà phải hy sinh đời mình như thế nào để cha mẹ có được ngày hôm nay. Một khi hiểu được sự hy sinh vô bờ ấy, con cháu sẽ biết yêu thương ông bà, cha mẹ hơn và trân trọng, gìn giữ những thành quả có được bằng chính mồ hôi và công sức của bao người.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, từ lúc trẻ chập chững bước đi đầu tiên, ta cũng không nên làm tất cả mọi việc thay cho trẻ, không nên chăm sóc thái quá mà hãy để trẻ tự làm những việc trong khả năng của mình, điều này sẽ giúp trẻ có khả năng sống tự lập về sau. Chẳng hạn khi trẻ tự té, ta phải khuyến khích trẻ đứng dậy; khi trẻ tắm xong phải tự mặc quần áo; khi chơi đồ chơi xong là phải biết dọn dẹp và để gọn gàng, ngăn nắp; cứ đúng giờ là phải tự giác ngồi vào bàn học... Dạy trẻ lòng biết ơn không phải qua những bài lý thuyết sáo rỗng, mà nên bắt đầu từ những sự việc cụ thể và luôn gần gũi với trẻ, có nghĩa là người lớn phải tạo cơ hội cho các em bằng những hành động thiết thực và hàm chứa lòng biết ơn chân thành xuất phát từ trái tim mình. Tất nhiên, không chỉ dạy trẻ thể hiện lòng biết ơn ở hình thức suông, mà phải giúp trẻ hiểu lý do gì mà mình phải biết ơn.

Nếu một đứa trẻ “muốn gì được nấy” chắc chắn sẽ không biết cách quý trọng những gì mà nó đang có. Cảm giác thỏa mãn mọi thứ một cách quá dễ dàng, vô tình khiến trẻ mất đi lòng biết ơn với những người tạo ra thứ mình thích, mình cần. Vì thế, ngoài những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, cha mẹ không nên dễ dàng đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của trẻ. Hãy tạo cho trẻ biết rằng mọi thứ trên đời không phải tự nhiên mà có, nên cần phải nỗ lực và cố gắng từ bản thân thì mới thành công.

Tốt nhất là nên hướng dẫn, khuyến khích trẻ tự giác làm việc nhà khi cha mẹ đi vắng; tự tay làm những tấm thiệp, món quà nhỏ để tặng người thân, thầy cô, bạn bè vào các dịp lễ, sinh nhật... Tuy nhiên, người lớn cũng nên thể hiện lòng biết ơn của mình đối với trẻ khi con mang lại niềm vui hay giúp đỡ mình những việc vặt. Mặc dù có những lúc trẻ chưa ý thức về việc tốt đã làm, nhưng lại học được rất nhiều điều từ người lớn. Vì thế nếu bạn thể hiện lòng biết ơn đúng lúc, trẻ sẽ nhanh chóng tiếp thu, học hỏi rất nhanh về điều này. Từ những bài học nhỏ ấy trong gia đình, trẻ sẽ lớn dần lên cùng với các mối quan hệ ngoài xã hội và bài học biết ơn sẽ là nền tảng đầu tiên và trở thành giá trị lớn không thể mất đi trong trái tim và tâm hồn của mỗi người.