CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Đi học ngoài nước

(NTO) Đã là tháng Tư, sắp vào hè. Mùa hè thường làm nhiều người nhớ lại các mùa thi khi còn học phổ thông. Hồi đó, cái lứa chúng tôi, nghe các anh lứa “trên” đang học lớp 11, 12 bàn chuyện đi học nước ngoài, thấy lòng cũng náo nức, thấy bắt ham, như là chính mình cũng sắp được… đi tới nơi vậy!.

Dĩ nhiên muốn nhận được học bổng du học thì phải tốt nghiệp tú tài loại xuất sắc. Sau đó, tham gia các đợt thi tuyển hết sức cam go, với tỷ lệ l chọi đến vài ngàn thí sinh để đoạt được chiếc vé, trèo lên “tàu bay” đến với… tương lai!. Ấy là niềm kiêu hãnh, lòng tự hào của cá nhân, gia đình và (có khi) của cả một dòng tộc đối với xóm giềng, làng xã. Oai ghê gớm lắm!

Cho đến những năm tháng sau này, đi học ngoài nước đối với con trẻ không có gì là… ghê gớm, quan trọng lắm! Khi nền kinh tế đất nước phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thì dĩ nhiên hình thành nên một lớp người khá giả trong đời sống xã hội. Lúc này, họ mới có điều kiện lo cho con em mình về đường học vấn, đồng thời qua đó cũng lo toan đến tương lai, “công danh sự nghiệp” sau này cho chúng, như cha ông ta đã từng quan tâm, nên họ mới tính toán, đầu tư cho con em mình đi học… ngoài nước! Đó là chưa kể tâm lý “nhìn qua nhìn lại, nhìn trước ngó sau” của giới thừa… đồng Việt Nam và dư... đồng ngoại tệ. Thậm chí nhiều gia đình chỉ mới vừa… kha khá lên tí chút, cũng bày đặt “se sua”, học đòi cho “bằng chị, bằng em”. Thế rồi, đi vay mượn, nhặt nhạnh đủ các kiểu, sao cho con cái mình đủ điều kiện nộp học phí, với mức hiện nay từ 55-65.000

USD/năm tại các trường ở Mỹ và châu Âu, trên dưới 40.000 USD ở Úc và các nước châu Á, chưa kể chi phí ăn ở, đi lại. Thế là cháu nó được… bay ra ngoài nước học hành, tu luyện, đặng kiếm cho được… tấm bằng “ngoại” mang về khoe khoang với bà con làng trên, xóm dưới, cho “nở mày nở mặt” với bạn bè của bố mẹ, mặc cho tương lai có ra sao thì ra, chả cần thiết!

Tôi không vơ đũa cả nắm, rất nhiều trường hợp, gia đình thì đủ “lực”, con cái thì dư “sức” để mà “tranh”, mà “săn” học bổng cho thỏa ước mơ. Tỉnh ta không hiếm các cháu nhận được cùng lúc 5-7 suất học bổng của các trường đại học danh tiếng như Harvard, Stanford, Massachusetts (Mỹ), Paris-Sorbonne (Pháp), Cambridge, Oxford (Anh)… thật đáng hãnh diện cho gia đình và quê hương. Thế nhưng bây giờ, đi học ngoài nước cứ như là trào lưu, như là cái “mốt” đương nhiên của nhà… giàu (hoặc cứ nghĩ rằng mình đã… giàu). Tôi suy nghĩ mãi về hai trường hợp mà mình rành rõ, mới thấy buồn làm sao!

Đó là đứa con gái rượu của một đại gia tên tuổi của thành phố. Vì vướng víu lăng nhăng vài ba cuộc tình học trò thời phổ thông, thế là ông bố, chả biết con mình trình độ thế nào, năng lực ra sao lại… kiếm một vé “tống” con khỏi Việt Nam, học… trung cấp chính quy với học phí 5 học kỳ khoảng 130.000 USD, chưa kể tiền sinh hoạt nơi xứ người và chi phí đi về, thăm viếng. Gần 3 năm học tập, ông bố mất khoảng 5 tỷ đồng. Ngày đón con về tại sân bay, ông bố suýt té xỉu khi thấy cái bụng con gái “lùm lùm” cặp kè với một thằng nào đó “đen thui”. Con bé trình ra cái giấy chứng nhận chỉ… đang theo học lớp Trung cấp nấu ăn… gì gì đó (chứ chưa tốt nghiệp), có mà nở mày, nở mặt với bà con dòng họ cơ chứ!

Trường hợp thứ hai, một ông con “trời thần đất lở”, không chịu học hành, dùi mài kinh sử, suốt ngày chỉ biết đua xe, đánh nhau, quậy phá làng xóm. Bà mẹ chịu không thấu, bèn “tống cổ” qua “bên kia đại dương” du học cho… khuất mắt, mong ước qua 5 năm dài sẽ “hạn chế hư đốn, tu tâm dưỡng tánh”… Mất trên 10 tỷ đầu tư cho thằng “quý tử” ăn chơi nơi xứ người. Về nước vài năm rồi vẫn thất nghiệp, thậm chí cái chân hợp đồng bán chuyên trách tại xã xin mãi… vẫn không được, vì có biết gì đâu mà làm. Kết quả gần 500.000 USD đầu tư, cuối cùng vẫn bằng “zêro”. Ôi, buồn ơi là buồn, tiền ơi là… vàng!

Mới hay, không phải có tiền là muốn mua tiên cỡ nào cũng được. Hãy nhìn vào nội lực của mình. Nếu chỉ vì đồng tiền thì không bao giờ đạt được mục đích danh vọng!