Trường Tiểu học Phước Nhơn: Nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục

(NTO) Năm học 2015-2016, Trường TH Phước Nhơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) có 573 HS, với 19 lớp. Với đặc thù 100% HS là dân tộc Chăm nên cùng lúc các em phải học cả 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Chăm, đây là một khó khăn cho trường. Mặt khác, ở địa phương có trên 80% phụ huynh HS thường xuyên xa nhà hành nghề bán thuốc nam, mỗi năm chỉ về từ 2-3 lần nên việc quan tâm đến chuyện học của con em mình rất hạn chế.

 
Giờ ra chơi, các em cố gắng đọc sách báo để nâng cao vốn từ vựng.

Cô giáo Thành Nữ Khoa Trương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đối mặt với những khó khăn trên, nhà trường đã đề ra những giải pháp vừa phù hợp với điều kiện của trường, vừa phù hợp với hoàn cảnh của HS. Cụ thể, nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Thời gian buổi sáng chủ yếu dạy các tiết chính theo chương trình; buổi chiều giúp HS củng cố lại nội dung bài học và hoàn thành các bài tập ngay tại lớp. Việc tổ chức học cả ngày sẽ hạn chế tình trạng các em đi chơi do không có cha mẹ ở nhà quản lý. Bên cạnh đó, nhà trường còn phát huy hoạt động của thư viện trong việc nâng cao chất lượng học tập của HS. Việc tiếp xúc thường xuyên với sách, báo giúp các em tích lũy vốn từ ngữ trong học tập cũng như trong giao tiếp. Nhờ vậy, tỷ lệ HS lên lớp hằng năm của trường đạt trên 98%, hoàn thành chương trình TH đạt 100%.

Trao đổi với nhiều phụ huynh HS, chúng tôi được biết, đa số đều đồng tình với các giải pháp của trường để nâng cao chất lượng giáo dục HS. Phụ huynh Thành Kim Hùng cho hay, trong các cuộc họp với nhà trường, chúng tôi đều được các giáo viên triển khai, bàn bạc các giải pháp để cùng nhà trường động viên con em mình thực hiện nghiêm túc. Hiệu quả của việc áp dụng học 2 buổi/ngày đã hạn chế được tình trạng các em đi chơi, tập trung vào học tập hơn…

Cô giáo Tài Nhị Chính, giáo viên chủ nhiệm lớp 4C, chia sẻ: Đối với HS có học lực yếu, hoặc có dấu hiệu bỏ học, chúng tôi luôn động viên, thăm hỏi, có biện pháp thích hợp, như: Dạy kèm miễn phí tại nhà cho các em; phân công HS khá, giỏi kèm cặp các HS yếu, kém. Nhờ vậy, chất lượng học tập của các em được tăng lên đáng kể..

Ngoài các giải pháp nêu trên, trong những năm gần đây, nhiều cuộc vận động và phong trào do ngành phát động được triển khai trong nhà trường như: Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”… đã tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phong trào “Thầy thi đua dạy tốt, trò thi đua học tốt”, tác động đến chất lượng giáo dục của nhà trường.