Các sở, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp

(NTO) Ngày 27-4, đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị các doanh nghiệp (DN) trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ hội nghị thường niên đã trở thành diễn đàn đối thoại giữa các DN với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan.

Mở đầu hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận vai trò đóng góp quan trọng của các DN trong các khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 DN hoạt động tại các Khu công nghiệp Thành Hải, Phước Nam và Cụm công nghiệp Tháp Chàm. Trong năm 2015, doanh thu là 2.993 tỷ đồng, nộp ngân sách 459 tỷ đồng, chiếm 26% tổng nguồn thu ngân sách địa phương; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.787 lao động. Mục tiêu của các DN phấn đấu năm 2016 đạt doanh thu 3.430 tỷ đồng, nộp ngân sách 496 tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm khoảng 1.000 lao động. Đồng chí mong muốn các DN thẳng thắng phản ảnh khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giúp lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành nắm bắt kịp thời và có biện pháp giải quyết, qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới.

Năm 2015, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn- Ninh Thuận nộp ngân sách 400 tỷ đồng,
tạo việc làm cho 72 lao động có thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Năm 2016,Công ty phấn đấu nộp ngân sách 440 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Trương, đại diện Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận phản ảnh, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đồng hành, hỗ trợ DN trong việc kiểm tra, xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thành Hải. Thủ tục thẩm định môi trường còn rườm rà “gây khó” cho DN; yêu cầu DN lắp đặt thiết bị tự động theo dõi nguồn nước thải vừa tốn kém, vừa không đúng quy định DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp.

Bà Mai Thảo, đại diện Công ty TNHH Thời trang Hoa In tại Cụm công nghiệp Tháp Chàm phản ảnh, DN rất khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất. Hồ sơ tín dụng của DN chưa nhận được phúc đáp của các ngân hàng thương mại.

Ông Lương Ngọc Kiệt, đại diện Công ty Cổ phần Địa chất khoáng sản Việt Nam tại Khu công nghiệp Thành Hải cho rằng, DN đã có trên 10 năm gắn bó làm ăn tại Ninh Thuận. Điều mong muốn của DN xin được xây dựng cơ sở sơ chế tại mỏ đá Từ Thiện 2, thuộc địa bàn xã Phước Dinh (Thuận Nam), giúp đơn vị giảm chi phí sản xuất. Ông cũng đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động các DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và uốn nắn DN hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Ông Trần Quốc Toản, đại diện Công ty TNHH Cánh Đồng Việt, đề nghị Ban Quản lý các Khu Công nghiệp đầu tư nâng cấp đường nội bộ Khu công nghiệp Thành Hải. Đồng thời, nâng áp hệ thống nước và điều chỉnh giá nước hợp lý giúp các DN giảm giá thành sản phẩm…

Ngoài ra, các DN còn kiến nghị các nội dung liên quan đến tình trạng cúp điện, cúp nước, đào tạo đội ngũ công nhân, hệ thống chiếu sáng, cây xanh… Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, Công ty Điện lực Ninh Thuận, Công ty Cổ phần cấp nước… đã tiếp thu và giải trình kiến nghị của các DN. Nội dung giải trình của lãnh đạo các sở, ngành minh bạch, thỏa đáng, được đại diện các DN đồng thuận cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành phối hợp khẩn trương tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động đạt hiệu quả cao nhất. Ngành Ngân hàng quan tâm ưu tiên hỗ trợ tín dụng cho các DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp triển khai đầu tư tu sửa, nâng cấp, xử lý nước thải; thiết lập kênh thông tin kết nối các đơn vị với lãnh đạo tỉnh nhằm kịp thời giải quyết những kiến nghị của các DN. Đồng thời, các DN thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, sử dụng lao động, cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước. Lãnh đạo các sở, ngành đồng hành với các DN chung tay xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.