An toàn tàu xe trong dịp lễ

(NTO) Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay trùng vào ngày nghỉ cuối tuần nên được bố trí nghỉ 4 ngày. Thời gian dài là điều kiện thuận lợi để người dân chủ động hơn trong những chuyến đi xa như về quê hoặc du lịch. Chính vì vậy, lượng khách đi tàu và xe dự kiến tăng cao, nên công tác phục vụ vận tải hành khách và đảm bảo an toàn thuận lợi cho cả hành trình luôn được quan tâm hàng đầu.

Đến thời điểm này, hầu hết các nhà xe đã bán hết vé xe gường nằm đối với tuyến Phan Rang-Sài Gòn. Theo lãnh đạo Bến xe khách tỉnh, năm nay, số lượng nhà xe đăng ký tăng tần suất chạy lên 200%, với lượng ghế có thể phục vụ lên đến trên 2.000 lượt khách/ngày, nhưng vẫn khó đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Bến xe tỉnh tăng cường năng lực phục vụ hành khách trong dịp lễ.

Khó mua vé cũng là cơ hội để một số nhà xe lợi dụng đẩy giá lên cao. Theo quy định, giá vé chỉ được phép tăng không quá 40%, tương ứng với mức bán tăng không quá 195 ngàn đồng/vé đối với tuyến Phan Rang-Sài Gòn và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tình trạng bán giá trên 200 ngàn đồng/vé, cùng nhiều “chiêu” như chỉ lấy “phiếu đặt chỗ” mà không xuất vé, tính thêm phí dịch vụ vào trong giá vé…

Ông Nguyễn Hoàng Ngọc Dự, Phòng Kế hoạch-Điều độ, Bến xe tỉnh, cho biết: Hiện Bến xe tỉnh có 160 đầu xe, trong đó 40% xe chạy tuyến Sài Gòn, còn lại phục vụ khoảng 15 tuyến ngoại tỉnh như Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên, Khánh Hòa, Bình Dương, Cà Mau… Trong những ngày trước và sau lễ, dự kiến lượng khách sẽ tăng lên. Để đảm bảo yêu cầu phục vụ hành khách, bến xe đã thông báo đến từng doanh nghiệp, nhà xe các quy định hiện hành, thực hiện các phương án tăng cường phục vụ hành khách; phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc kiểm tra, giám sát. Hiện nay, có trên 80% xe tại địa phương đã chấp hành nghiêm việc vào bến đón, trả khách theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ phương tiện không chấp hành hoặc tìm cách “lách” như cho xe vào bến lấy lệnh xuất bến nhưng không có khách trên xe. Khi ra khỏi bến, tắt giám sát hành trình để qua mắt lực lượng chức năng đón khách dọc đường. Do đó, người dân cần chủ động đặt mua vé sớm, vào bến lên xe để hạn chế tình trạng bị ép giá, nhồi nhét.

Cùng với vận tải hành khách đường bộ, ngành Đường sắt cũng đã tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong dịp lễ 30-4 và 1-5, khu vực phía Nam được tăng cường thêm 3 đôi tàu. Theo đó, lượng tàu qua ga Tháp Chàm hiện có 11 đôi tàu để phục vụ hành khách. Bà Bùi Thị Tường Vi, Phó trạm Vận tải hành khách Tháp Chàm, cho biết: Đối với vé tàu, mặc dù lượng khách tại địa phương nhu cầu không nhiều sau sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) việc đi tàu không thuận lợi. Trung bình mỗi ngày tại ga Tháp Chàm chỉ có khoảng trên 100 khách đi vào Sài Gòn mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng khách đặt vé qua mạng từ nhiều địa phương khiến lượng vé trong những ngày cao điểm như ngày 2-5 và 3-5 đối với chiều đi vào Sài Gòn đã hết vé. Hiện một số tàu đi trong các ngày 1-5 và 4-5 vẫn còn khá nhiều ghế trống, nếu hành khách có nhu cầu thì cần đặt vé sớm để chủ động hơn.

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nhất là đối với xe khách, lực lượng CSGT Công an tỉnh cùng lực lượng tăng cường của Bộ Công an sẽ tập trung tuần tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A, xử lý nghiêm các lỗi vượt quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, chở quá tải, quá số người, nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp gây tai nạn. Đại tá Từ Văn Vĩnh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết: Trong dịp trước, trong và sau lễ này, ngoài việc thực hiện thường xuyên các giải pháp tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT sẽ sử dụng thêm hình thức xử lý thông qua camera quan sát, ghi hình để tiến hành phạt “nguội”; tăng cường phối hợp với lực lượng “liên quân” gồm CSGT, Cảnh sát Trật tự, lực lượng 113, Hình sự và Công an địa phương để xử lý tại các điểm “nóng”, gây mất an toàn.

Hy vọng rằng, trong dịp lễ này với sự chủ động của người dân và nỗ lực phục vụ, kiểm soát của các đơn vị chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ được đảm bảo an toàn, thuận lợi.