Sân cỏ nhân tạo-Thỏa sức đam mê với trái bóng tròn

(NTO) Những năm qua, công tác xã hội hóa thể thao được các địa phương trong tỉnh quan tâm và đẩy mạnh. Cùng với nhiều sân chơi thể thao, sân cỏ nhân tạo (CNT) được tư nhân đầu tư xây dựng, đáp ứng phần nào sân chơi thể thao cho người dân và thỏa “cơn khát” đối với những người yêu thích môn bóng đá.

Cách đây ít năm, sân CNT vẫn còn là một khái niệm rất mới đối với những người yêu thích bóng đá ở huyện Ninh Hải. Thế nhưng, hiện nay, loại hình bóng đá trên sân CNT đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương.

Các VĐV “nghiệp dư” luyện tập thi đấu ở sân CNT Hoàn Mỹ.

Vào các buổi chiều, ngày nghỉ, khu sân CNT Mười Nga (thôn Mỹ Tường, xã Nhơn Hải, Ninh Hải) luôn là điểm hẹn của những người đam mê trái bóng tròn. Anh Tùng, công nhân một trại tôm giống, cho hay: Tôi rất thích bóng đá, nhưng trước đây vì không có sân chơi ổn định nên có mùa chơi được, có mùa không. Sự xuất hiện của các sân CNT ở Mỹ Tường khiến những người yêu thích môn bóng đá như tôi rất hào hứng. Đặc biệt có thể thi đấu cả buổi tối nhờ sân được trang bị dàn đèn bảo đảm ánh sáng.

Vốn là người đam mê bộ môn thể thao “vua”, lại thấy các em học sinh, thanh niên địa phương không có nơi tập luyện nên ông Mười Nga, thôn Mỹ Tường quyết định đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng 2 sân CNT vào năm 2014. Ông Mười Nga cho biết: “Từ khi sân bóng đi vào hoạt động thu hút rất đông thanh niên đến sân. Lịch thi đấu ngày càng dày thêm, có những ngày không bố trí được lịch thi đấu cho các đội bóng. Bình quân mỗi ngày, sân bóng của ông thu hút trên 120 lượt khách đến sân. Đông nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Tùy theo khung giờ, giá thuê sân bình quân 140 nghìn đồng/giờ”. Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Ninh Hải đã có 6 sân CNT được đầu tư xây dựng để phục vụ những người yêu thích môn thể thao “vua” tại các xã Nhơn Hải, Hộ Hải và Khánh Hải.

Ngược về Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, thời gian từ 5 giờ-8 giờ sáng và từ 15 giờ chiều cho đến 21 giờ đêm, các sân CNT luôn chật kín người. Khởi điểm từ 2 sân CNT Phương Nam (phường Tấn Tài), đến nay, khu vực thành phố đã có trên 20 sân CNT. Có mặt tại Cụm sân CNT Hoàn Mỹ của Công ty TNHH Giải Trí Xanh (phường Phước Mỹ), gần 3 năm nay, nơi đây đã trở thành điểm hẹn của những người đam mê môn thể thao bóng đá và nơi tổ chức thi đấu các giải bóng đá mini truyền thống của các hội, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Anh Vĩnh An, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: “Từ khi các sân bóng đá CNT được xây dựng đã tạo sân chơi bổ ích cho các tầng lớp nhân dân. Mỗi tuần mình tham gia ba buổi cùng nhóm bạn, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa thỏa thích đam mê trái bóng tròn. Mỗi buổi đá cũng chỉ đóng góp 15.000-20.000 đồng”. Còn anh Trung, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Giải Trí Xanh, cho biết: Dù kinh phí xây dựng các sân CNT khá lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, nhưng công ty vẫn quyết định đầu tư vì muốn tạo thêm nhiều điểm tập luyện cho người dân nâng cao sức khỏe và ham thích thể thao.

Theo Sở VH-TT&DL, đến nay, toàn tỉnh có hơn 30 sân CNT được đầu tư xây dựng bằng hình thức xã hội hóa, trong đó tập trung nhiều nhất ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Bước đầu cho thấy, việc ra đời các sân CNT không chỉ giải quyết nhu cầu tập luyện TDTT, mà còn góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội trong thanh-thiếu niên ở địa phương. Hằng ngày, sân CNT luôn tràn ngập không khí sôi nổi, hào hứng qua các trận đấu của những cầu thủ “nghiệp dư” với đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Từ các em thiếu nhi, học sinh, công nhân, chủ doanh nghiệp… đến cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương cũng tham gia tập luyện thường xuyên. Không chỉ là sân chơi, từ khi có những sân CNT, đây còn là nơi các CLB bóng đá ở địa phương luyện tập và tổ chức tốt các giải thi đấu bóng đá giao hữu, phong trào. Một số cơ quan cũng chọn những sân CNT tổ chức các giải đấu và hội thao chào mừng các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương.

Ông Trần Thế Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, cho biết: Ưu điểm của sân CNT là không hạn chế thời gian chơi vì đã có hệ thống đèn chiếu sáng cao áp tạo cảm giác thoải mái giống như đang chơi ở một sân bóng chuẩn, an toàn, có hệ thống rào chắn, đảm bảo người chơi có cảm giác sảng khoái khi ra sân.

Có thể nói, trong điều kiện Nhà nước chưa bảo đảm được nguồn kinh phí xây dựng các khu thể thao vui chơi, giải trí cho Nhân dân, thì việc xã hội hóa xây dựng các sân CNT ở các địa phương là việc làm cần được ghi nhận và nhân rộng. Qua đó, tạo tiền đề cơ sở vật chất giúp cho phong trào luyện tập TDTT ngày càng phát triển.