Sự việc ý kiến: Người dân Bác Ái chặt bỏ vườn điều

(NTO) Từ đầu năm đến nay, hàng trăm hecta điều trên địa bàn huyện Bác Ái đã bị người dân phá bỏ, chặt bán cho thương lái làm chất đốt. Điều đáng nói, đây là một trong những loại cây trồng đang được địa phương lên phương án cải tạo nhằm tạo nguồn thu nhập dài lâu cho người dân. Với hơn 1 hecta điều khoảng 400 gốc, mỗi năm vào vụ thu hoạch vợ chồng chị Ka Dá Thị Ý và anh Chamalea Tranh ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính, cũng thu được trên 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích điều trên đã được gia đình anh chị bán cho thương lái với giá chỉ 14 triệu đồng để làm chất đốt. Chị Ka Dá Thị Ý cho biết: “Hai năm rồi cây không có nhiều trái, bán có được gì đâu, giờ gia đình kẹt tiền nên bán hết rồi, sau này sẽ trồng lại cây khác…”. Không riêng gì gia đình chị Ý, tại thôn Suối Khô, xã Phước Chính, ước tính có khoảng 90 hộ trồng gần 80 hecta điều thì tất cả đều đã bán hết cho thương lái. Theo ông Patâu A xá Biển, trưởng thôn Suối Khô, không riêng trong thôn mà hầu như trong xã nhà ai có điều cũng ít nhiều đã bán cho thương lái, với giá trung bình từ 12 đến 14 triệu đồng/hecta. Hầu hết người dân cho rằng các vườn điều đã già cỗi, không cho hạt nhiều khi đến vụ, thu nhập kinh tế thấp và đang “cần tiền” để trang trải… nên đành phá bỏ đi để trồng cây khác.

 
Nhiều vườn điều hàng trăm gốc đã bị người dân “xóa bỏ” với giá rẻ như bèo.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của huyện Bác Ái đều nằm ở các vùng gò đồi nên việc canh tác các loại cây trồng ngắn ngày là không thật sự hiệu quả. Chính vì vậy, nhiều năm trước các đơn vị lâm nghiệp đã hỗ trợ cho người dân trồng điều ở những diện tích đất này. Trong nhiều năm qua, cây điều đã phát huy hiệu quả kinh tế khi mang lại thu nhập tương đối ổn định cho cuộc sống người dân. Tuy nhiên, do người dân trồng điều với mật độ dày và hầu như không đầu tư chăm sóc nên năng suất cây điều những năm gần đây đã giảm nhiều. Nhưng nhược điểm này hoàn toàn có thể khắc phục bằng các giải pháp cải tạo hợp lý thì sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, hiện nay giải pháp chặt bán điều làm chất đốt đang được phần lớn người dân Bác Ái “ưu tiên”.

Để có 1 hecta điều đến độ tuổi thu hoạch thì người dân tốn công sức rất nhiều năm, thế nhưng do chỉ thấy lợi trước mắt nên chỉ với 14 triệu đồng thì hàng trăm gốc điều/hecta đất đã dễ dàng bị phá bỏ. Nhiều người dân cho rằng sẽ trồng lại những loại cây khác hiệu quả hơn, nhưng thực chất họ rất khó chọn được loại cây trồng nào phù hợp hơn với các diện đất gò đồi như thế. Được biết, giá hạt điều thô năm nay được thu mua giá khá cao so với nhiều năm trước, ở mức từ 28 đến trên 30 ngàn đồng/kg.

Năm 2014, diện tích điều toàn huyện Bác Ái có khoảng 1.520 hecta, đến cuối năm 2015, theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì diện tích này còn khoảng 1.390 hecta, mất khoảng 130 hecta. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, diện tích điều đã bị người dân chặt bán là khá lớn. Lãnh đạo UBND huyện Bác Ái cũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương các xã chấn chỉnh và ngưng việc cấp phép cho người dân bán cây điều. Hiện nay, huyện Bác Ái vẫn đang rà soát thống kê diện tích điều đã được chặt bán.

Bà Ngô Thị Cúc, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bác Ái cho biết: Theo định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của huyện, đối với cây điều thì địa phương chủ trương tập trung vận động nhân dân cải tạo lại với việc chăm sóc nhiều hơn, không thả nổi như trước đây. Việc người dân chặt bán điều trong thời gian qua, có thể sẽ ảnh hưởng đến định hướng cải tạo cây trồng của huyện trong thời gian tới.

Có thể nói, đối với huyện miền núi như Bác Ái thì trồng điều trên những vùng đất gò đồi được xem là giải pháp canh tác hợp lý, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao và dài lâu hơn những loại cây trồng khác, mà còn giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng. Thiết nghĩ, huyện Bác Ái cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hơn nữa, cũng như cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để người dân cải tạo và giữ lại diện tích điều nhằm khai thác hiệu quả hơn đối với cây trồng này.