Xứng đáng giai cấp tiên phong trong thời kỳ đổi mới

(NTO) 41 năm sau ngày giải phóng và 24 năm từ ngày tái lập tỉnh đến nay, tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân viên chức-lao động (CNVC-LĐ) tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh, đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất, đóng góp to lớn vào phát triển trên các lĩnh vực, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm giàu quê hương, đất nước.

Thi đua để phát triển

Nhận thức tầm quan trọng của phong trào thi đua chính là động lực giúp mỗi cá nhân, tập thể phát huy sức mạnh, khối đoàn kết, tư duy sáng tạo trong lao động, sản xuất, những năm qua, LĐLĐ tỉnh không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến toàn thể CNVC-LĐ. Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Điều đáng ghi nhận hơn cả là các CĐCS đã nhận thức vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp với chính quyền lồng ghép phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; xây dựng chương trình, kế hoạch thi đua cụ thể, phù hợp, theo từng đợt, gắn với từng chủ đề, chủ điểm, có sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời nên đã nâng cao hiệu quả, thu hút đông đảo CNVC-LĐ tham gia”. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình vượt qua khó khăn, học tập, trau đồi chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện nếp sống, đạo đức, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thực hiện sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các giải pháp hợp lý hóa công việc, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, qua đó giúp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng doanh thu, lợi nhuận. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có trên 10.500 lượt CNVC-LĐ có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học, phần lớn được áp dụng vào thực tiễn, làm lợi cho cơ quan, đơn vị hàng trăm tỷ đồng.

 
Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tại Hội nghị Điển hình tiên tiến CNVCLĐ tỉnh.

Ngoài thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, CNVC-LĐ còn hăng hái tham gia các phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”… qua đó, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, cải thiện môi trường làm việc, thay đổi cung cách làm việc, thái độ, ứng xử văn hóa nơi công sở, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.

Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh

Không chỉ nỗ lực thực hiện tốt vai trò tập hợp, vận động CNVC-LĐ trong các phong trào thi đua yêu nước, LĐLĐ tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh. Còn nhớ trong thời gian đầu tái lập tỉnh (năm 1992), toàn tỉnh chỉ có 2 Công đoàn ngành: Y tế và Giáo dục; 4 Công đoàn huyện, thị xã (Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn và thị xã Phan Rang-Tháp Chàm), với 288 CĐCS, trên 7.000 công đoàn viên. Đội ngũ cán bộ công đoàn ngày ấy chỉ vỏn vẹn 22 đồng chí. Thiếu thốn cả về nhân lực, cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến hoạt động công đoàn cũng như phong trào CNVC-LĐ. Tuy nhiên, bằng tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, tổ chức công đoàn từng bước củng cố, xây dựng ngày càng phát triển. Hiện toàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp, với tổng số gần 61.000 CNVC-LĐ, trong đó có 709 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, gần 28.000 công đoàn viên.

 
Công ty may Tiến Thuận  hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.   Ảnh: V.M

Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chia sẻ: Bên cạnh việc xây dựng, củng cố bộ máy, để thu hút được NLĐ tham gia tổ chức công đoàn, LĐLĐ tỉnh xác định, trước tiên cần làm tốt vai trò, trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống cho NLĐ, làm tốt vai trò cầu nối giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các CĐCS phối hợp với chính quyền tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và hội nghị NLĐ, đại diện NLĐ ký kết Thỏa ước lao động tập thể; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đối thoại trực tiếp, tuyên truyền, phổ biến và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, qua đó chấn chỉnh những trường hợp vi phạm, đồng thời giúp cho lãnh đạo các doanh nghiệp và NLĐ nắm vững các quy định, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Nhân Tháng Công nhân, lễ, tết, Công đoàn các cấp tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu văn nghệ, thể dục-thể thao, chương trình từ thiện như Tết sum vầy, Mái ấm Công đoàn, Ủng hộ Hoàng Sa,Trường Sa... qua đó vận động các tổ chức, cá nhân, công đoàn viên quyên góp tiền hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi NLĐ nghèo, với số tiền hàng năm lên đến hàng tỷ đồng, không chỉ phát huy, nêu cao tinh thần đoàn kết “Tương thân, tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn tạo niềm tin vững chắc của CNVC-LĐ đối với tổ chức công đoàn. Chất lượng hoạt động các CĐCS không ngừng được nâng lên. Trung bình hàng năm, trên 90% CĐCS các cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp và trên 50% CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt vững mạnh.

Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, đưa phong trào CNVC-LĐ ngày một phát triển, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ; triển khai sâu rộng, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giúp đội ngũ CNVC-LĐ nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, trau dồi tay nghề, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới.