Bệnh sốt rét và cách phòng chống

(NTO) Bệnh sốt rét là bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Tình hình sốt rét ở tỉnh ta đã được khống chế ổn định nhiều năm; năm 2015, số bệnh nhân mắc sốt rét giảm 45,2% (591 ca so với 1.079 ca năm 2014), chỉ có 1 ca sốt rét ác tính, không có ca tử vong.

Những tháng đầu năm 2016, số ca mắc sốt rét không tăng, nhưng đặc biệt tại thôn Chà Đun (xã Phước Thắng, Bác Ái) có 16 ca mắc sốt rét do ngủ rẫy, đang được Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Côn trùng và Ký sinh trùng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bác Ái giám sát.

Ảnh minh họa.

Nhân ngày 24-3, Ngày Thế giới phòng chống sốt rét, chúng tôi giới thiệu một số biểu hiện và biện pháp phòng bệnh sốt rét để mọi người lưu ý, nhất là những người đi vào vùng sốt rét dễ có nguy cơ mắc bệnh lưu ý, đề phòng.

Biểu hiện của bệnh sốt rét

Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: Loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa ký chủ (thai nghén, suy dinh dưỡng…). Thời kỳ ủ bệnh trong bệnh sốt rét là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Thời gian trung bình từ 9-30 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét.

Biểu hiện lâm sàng kinh điển của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2-8 giờ và ngoài cơn sốt, bệnh nhân không có cảm giác bị bệnh. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm khác: Nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…

Sốt rét là bệnh có thể dẫn đến tử vong, nhất là khi đã có biến chứng nên luôn luôn được xếp vào thứ tự ưu tiên, cần được điều trị sớm để hy vọng có kết quả tốt. Sự chọn lựa thuốc, cách dùng thuốc tùy theo từng loại ký sinh trùng mắc phải, tùy từng vùng địa lý còn nhạy cảm với thuốc hay không, cũng như tình trạng lâm sàng của bệnh nặng hay nhẹ.

Biện pháp phòng bệnh

Hiện nay, khi chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét, nên việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Có nhiều phương pháp khác nhau để phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét. Có thể diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh. Vì đa số muỗi sốt rét vào nhà đốt rồi nghỉ lại trong nhà nên các chương trình phòng chống sốt rét ở một số nước nhiệt đới coi trọng việc phun hóa chất có tác dụng diệt côn trùng kéo dài vào tường vách. Hiện nay, các vùng có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét thì biện pháp dùng màn tẩm hóa chất trong cộng đồng để phòng chống muỗi được sử dụng nhiều. Đặc biệt, có một phương pháp mang lại kết quả lâu dài, đó là san lấp các ao tù, vũng nước để loại trừ các ổ lăng quăng (ấu trùng của muỗi). Ngoài ra, cũng có thể loại trừ các ổ lăng quăng bằng cách thường xuyên vớt rong, nhổ cỏ hai bên bờ ao, khơi thông dòng chảy hoặc thả cá vào bể, chum, vại chứa nước để cá ăn lăng quăng.

Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, bà con cũng cần chú ý thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn cản sự tiếp xúc giữa muỗi và người như mặc quần dài, áo tay dài khi đi ra đồng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương xua muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng… Và biện pháp quan trọng, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là ngủ màn thường xuyên, màn phải được tẩm hóa chất và phun thuốc diệt muỗi.

Trước khi đi rừng, ngủ rẫy, nên đến trạm y tế địa phương để được tư vấn và nhận 1 liều thuốc điều trị sốt rét. Nếu đang ở rẫy, rừng mà thấy sốt thì uống ngay liều thuốc điều trị sốt rét và trở về trạm y tế để được khám bệnh và điều trị.