CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Ăn Tết

(NTO) Nhân một lần trà đàm trong dịp Tết, nhóm bạn nông dân Hai Lúa đặt ra một câu hỏi tuy đơn giản nhưng cũng xem chừng… phức tạp: Tại sao người ta thường gọi là “ăn” Tết mà không gọi là… “hưởng” Tết, “chơi” Tết hay “vui” Tết...?

Người xưa thường nói: Gì thì gì chứ cả năm chỉ có ba ngày Tết hoặc “vui ba ngày Tết, hết ba ngày Xuân”, “Cu kêu ba tiếng cu kêu/Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè”… Mới thấy, cả năm dài dằng dặc, bao thứ trên đời phải lo toan, vất vả mà chỉ có ba ngày Tết. Thế thì trong ba ngày đó, buộc người ta phải ăn và chỉ có ăn mà thôi. Và chắc là ba trăm sáu mươi hai ngày còn lại phải nhịn ăn, hay là thiếu ăn, nên Tết nay phải ăn cho lại vốn?

Ảnh minh họa.

Nói chung chả ai lý giải được cả, nhưng cứ nhìn sinh hoạt chung quanh ta thì biết. Tất cả đều chuẩn bị cho cái sự… ăn hết sức tươm tất, đủ đầy, nếu không nói là dư thừa tí đỉnh cũng chả sao. Nhớ lại thời bao cấp, ngay từ rằm tháng Chạp, nhà nhà đã rủng rỉnh chuẩn bị gạo, nếp, thịt để gói bánh chưng, bánh tét rồi. Còn ở nông thôn thì trông chờ hợp tác xã phân phối thịt heo, vịt, trứng hay tát ao cá tập thể… Vui hết biết! Thật tội nghiệp cho các bà nội trợ, phải tính toán, cân nhắc thế nào cho nhà mình cũng đủ, cũng nhiều món như nhà… hàng xóm. Ôi thôi chưa ăn mà đã ngấy tận cổ. Này là giò lụa, chả thủ, thịt ngâm mắm, thịt kho măng. Kia là các loại dưa hành ngâm chua, các loại cây trái, kẹo mứt… tất tần tật, không thiếu thứ gì. Ai cũng thấy rằng mình chuẩn bị như thế là thừa mứa, nhưng bao giờ cũng thấy… thiếu, cho nên có những món chưa kịp đụng đũa hoặc dùng “qua loa”, để rồi… “ra ngoài ngày” nhiều thứ hư, mốc phải đổ đi. Hết sức lãng phí!

Như đã nói, Tết là thời gian vui chơi, gặp mặt, sum họp gia đình, bà con chòm xóm, láng giềng, nhưng mấy chục năm nay, từ ngày biết uống bia, có Tết năm nào mà tôi biết… mùa xuân là gì! Sáng mùng một, bảnh mắt ra, đi chúc Tết đồng nghiệp, chừng bốn nhà mà đã kéo dài đến tối, không ai còn tỉnh táo để mà đưa… bạn mình về. Mà có ăn được gì đâu nhỉ, nhà nào cũng dọn lên ê hề các món… như nhau, đúng là như người xưa nói “ăn’ Tết! Nhưng lúc này đây, người ta không còn “ăn” Tết nữa mà chỉ có “uống” Tết. Đúng vậy, mấy ngày Tết thì quý ông uống… kinh thiên động địa lắm, nhưng họ thường biện bạch vui là… chính, chứ có say sưa gì (!?). Nhà nào cũng tích trữ các loại bia cao cấp như Heineken, Tiger. Bình dân tí thì bia 333, Sài Gòn. Còn rượu thì khỏi nói rồi, phải “kính thưa các loại” mới đúng. Từ rượu đế, rượu ngâm các con “ngọ nguậy” cho đến các loại rượu ngoại như Macallan, Whisky, Ballantine’s, Chivas, XO… đều có mặt trên từng cây số, làm sao quý ông tỉnh táo cho nổi, không chết cũng bị thương te tua, tơi tả! Ngày đầu năm coi như xong, rồi mùng hai, mùng ba, mùng bốn… cho đến hết Tết, “một ngày như mọi ngày”, cho nên khoảng mùng sáu mà còn “sống sót” là… may mắn lắm.

Đó, chúng ta thường vui Xuân, ăn Tết là vậy. Năm nào cũng như năm nấy, nhưng có thấy ai sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm gì đâu, để năm sau được ăn Tết đàng hoàng hơn, tiết kiệm hơn và ý nghĩa hơn. Thường thì sau Tết, nhiều người bỗng dưng… bị bệnh, bệnh đường tiêu hóa, đau bao tử cấp, tim mạch… cứ như tăng đột biến. Số người nằm viện vì tai nạn giao thông cũng tăng lên so cùng kỳ… năm ngoái, chưa kể một số choai choai đua xe “công thức N” đêm giao thừa phải đến đích sớm hơn dự kiến ngoài… nghĩa địa, đó là điều chẳng ai muốn, phải không các bạn? Cho nên làm sao mọi người, mọi gia đình chúng ta cần tổ chức “ăn” Tết thế nào cho vui vẻ, an toàn và đầy đủ ý nghĩa của mùa xuân!