Thế giới trong tuần

1. Tuần qua, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước châu Á tưng bừng đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng đến người dân các nước.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon chúc người dân các quốc gia năm Bính Thân sức khỏe, hạnh phúc. Ông cũng nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và hy vọng năm khỉ-con vật biểu tượng của sự thông minh, linh hoạt và may mắn – sẽ đem lại một sự khởi đầu may mắn.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gửi lời chúc Tết Bính Thân 2016.

Trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry thay mặt Tổng thống Barack Obama và người dân Mỹ gửi lời chúc sức khỏe và sự thịnh vượng đến người dân tại các nước đón Tết Nguyên đán. Ông nói rằng, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố các mối quan hệ hợp tác và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, nền văn hóa và đức tin.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Anh David Cameron cũng gửi lời chúc Tết với hy vọng về một năm mới với các mối quan hệ tốt đẹp. Trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại chúc người dân các nước đón Tết đầm ấm bên gia đình.

Người dân nhiều nước châu Á như Singapore, Nhật Bản, Myanmar và trên thế giới cũng tập trung tham gia nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc để đón chào Tết Nguyên đán Bính Thân. Tất cả đều cầu chúc cho một năm con khỉ an lành và nhiều may mắn.

Các thành phố lớn khác trên thế giới cũng tưng bừng với những hoạt động chào đón năm mới Bính Thân. Tại thủ đô Brussels của Bỉ, một lễ diễu hành mang đậm bản sắc Tết truyền thống của châu Á với các màn trình diễn như múa lân hay võ cổ truyền đã thu hút sự chứng kiến hơn 1.000 người dân thành phố này.

Còn tại thánh đường Vatican, trước hàng nghìn giáo dân, Giáo hoàng Francis đã gửi lời chúc an lành tới những người dân đón Tết Nguyên đán trên toàn thế giới.

2. Trong khi đó, nhóm 17 quốc gia ủng hộ Syria đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hôm 12-2 và cung cấp viện trợ nhân đạo tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này. Tuy nhiên thực tế cho thấy, thỏa thuận này khó khả thi vì nhiều lý do.

Cho đến thời điểm này, Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập ở nước này vẫn chưa chính thức ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn. Các nhóm nổi dậy tại Syria cho biết sẽ tiếp tục giao tranh và bày tỏ sự hoài nghi về thỏa thuận vừa đạt được. Lực lượng quân đội tự do Syria - lực lượng chống Chính phủ và hiện được phương Tây hậu thuẫn - nêu lý do, các cuộc không kích chống IS của Nga tại Syria vẫn tiếp tục. Nhiều nhóm khác cho biết sẽ không ngừng giao tranh nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad không ra đi.

Trong khi đó, phát biểu tại Damascus, Tổng thống Assad cho biết, Chính phủ Syria ủng hộ đàm phán hòa bình cũng như các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Giới phân tích cho rằng, việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn cho Syria nhằm cho phép viện trợ nhân đạo không hề đơn giản bởi Chính phủ Syria cũng như phe nổi dậy đều không can dự vào quá trình ra quyết định này.

Thậm chí, giữa các nước vẫn tồn tại những bất đồng chưa thể hóa giải. Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn giữ nguyên định kiến về các cuộc không kích của Nga tại Syria cũng như tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tìm kiếm một giải pháp chính trị và thiết lập một Chính phủ tạm thời tại Syria vẫn sẽ là một bài toán khó được đặt ra tại Hội nghị Hòa bình cho Syria tiếp theo dự kiến diễn ra tại Geneve (Thụy Sỹ) vào cuối tháng 2-2016.