Ninh Sơn: Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

(NTO) Những năm gần đây, người dân huyện Ninh Sơn đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại rất hiệu quả. Ngoài việc mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện có trên 49.000 con. Trong đó, đàn trâu, bò trên 14.000 con; dê, cừu 18.368 con và đàn heo trên 16.600 con. Để đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Chú trọng cải tạo giống, xây dựng đề án phát triển bò đực giống lai Sind, heo nái siêu nạc, đồng thời hết sức coi trọng việc hình thành những vùng chuyên chăn nuôi dựa trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.

Nông dân huyện Ninh Sơn phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại.

Hiện nay, huyện Ninh Sơn có 24 trang trại và hơn 100 gia trại chăn nuôi. Điều đáng mừng là các nông hộ không chỉ áp dụng các kỹ thuật mới trong lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn, mà còn thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng chủ động nguồn thức ăn, nước uống và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả. Ngoài diện tích đồng cỏ đã trồng 555ha, hàng năm huyện còn tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, như: Dự án Hỗ trợ Tam nông, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo để hỗ trợ 450 con bò, trên 370 con dê, cừu giống cho 118 hộ dân ở các xã: Ma Nới, Lương Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Nhơn Sơn, Tân Sơn… Nhờ đó, chất lượng đàn gia súc của địa phương ngày càng tăng lên đáng kể, trong năm 2015, giá trị ngành chăn nuôi của huyện tăng 13% so với năm trước.

Mô hình chăn nuôi liên kết giữa người dân và doanh nghiệp cũng được phát triển nhanh ở Ninh Sơn. Toàn huyện có 13 trang trại nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, với tổng đàn trên 10.000 con. Với hình thức này, sau khi người dân đã có chuồng trại, Công ty sẽ hợp đồng cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Sau mỗi kỳ xuất chuồng, người nuôi sẽ được trả công theo số lượng heo được xuất bán. Đi đầu mô hình này là anh Nguyễn Văn Nho (thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn). Năm 2008, anh bắt đầu kết hợp với Công ty C.P mở trang trại nuôi heo, được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Cứ mỗi năm anh nuôi 2 lứa với quy mô 1.800 con, trung bình nhận tiền công khoảng 400 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết thêm, với chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương quy hoạch phát triển các vùng trồng cỏ cụ thể để tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, đưa giống bò cái lai Sind và giống đực Brahman cho giao phối với bò cái địa phương, mỗi năm khoảng 15-20% để cho ra thế hệ bê lai có chất lượng. Hỗ trợ giống bò cái lai Sind, dê, cừu cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng và tham gia các dự án, để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.