“Đòn bẩy”phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

(NTO) Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nông dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Đối với tỉnh ta có gần 64% dân số sống dựa vào nông nghiệp thì sự quan tâm đó càng có ý nghĩa.

Cân phân mà nói, những năm qua cùng với phát triển chung của tỉnh, “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này dễ dàng nhận thấy ở hầu khắp các miền quê bởi chỉ cần “xem mặt” là bắt được “hình dong” mà thôi!

Lãnh đạo Agribank Ninh Thuận ký kết thỏa thuận đầu tư năm 2015
với các doanh nghiệp. Ảnh: V.Thanh

“Cứu cánh” cho “tam nông”

Đóng góp quan trọng vào thành tựu này công đầu thuộc về Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Agribank Ninh Thuận) với nhiều nỗ lực để đồng hành cùng nông dân, làm chỗ dựa vững chãi cho nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập; đồng thời cụ thể hóa các chương trình về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, bước đầu mang lại một số kết quả đáng khích lệ, góp phần đáng kể phát triển kinh tế tỉnh nhà, đẩy mạnh tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và góp phần xã hội hóa ngân hàng. Tính đến cuối tháng 7-2015, Chi nhánh đã thực hiện doanh số cho vay theo Nghị Định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ trên 5.125 tỷ đồng, với 32.744 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó 99% là cho vay đến cá nhân và hộ gia đình; chỉ có 40 khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Điều cũng rất đáng ghi nhận là căn cứ vào đặc điểm sản xuất nông nghiệp và điều kiện tự nhiên trên địa bàn, Chi nhánh Agribank Ninh Thuận đa dạng các phương thức cho vay như: cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức, cho vay lưu vụ... tạo điều kiện cho hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tiếp cận vốn vay phù hợp với các chu kỳ sản xuất cây, con một cách hiệu quả… Ngoài việc cho vay trực tiếp tại các điểm giao dịch, Agribank Ninh Thuận còn cho vay thông qua các Tổ hội Nông dân, Phụ nữ từng bước tăng nhanh khối lượng tín dụng của hộ sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp thu mua nông-thủy sản. Đến nay, Agribank Ninh Thuận đã cho vay trên 70% số hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh, từ đó vốn Ngân hàng đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong việc duy trì và phát triển kinh tế tại địa phương. Thông qua kênh tín dụng, Chi nhánh đã đầu tư trên 49 ngàn hecta cây lương thực, gần 6 ngàn hecta cây công nghiệp ngắn ngày, trên 3 ngàn hecta cây ăn trái; gần 40 ngàn con gia súc và trên 70 ngàn con gia cầm các loại, hình thành nên các vùng chuyên canh lúa, táo, nho, mía, mì…. Bên cạnh đó, Agribank Ninh Thuận cũng đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 400 CV, qua 5 năm đã đầu tư đóng mới 66 tàu có công suất từ 90 CV trở lên để đánh bắt khơi xa...

Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) sử dụng hiệu quả vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: Sơn Ngọc

Chung quy lại, Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ được xem là “cứu cánh” cho “tam nông”, góp phần khơi thông nguồn vốn về nông thôn. Có thể nói, đây là cú hích tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp, nông thôn phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Góp phần thực hiện nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng, Chính phủ.

Tháo gỡ những “rào cản” phát sinh

Thực tế cho thấy sau hơn 5 năm triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập như: Đối tượng vay còn bó hẹp, chỉ ở phạm vi các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại cư trú và có cơ sở hoặc dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Mức cho vay không có tài sản bảo đảm còn thấp. Việc áp dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, mô hình sản xuất công nghệ cao… còn hạn chế. Quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết, liên hoàn, hỗ trợ nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ dẫn đến sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được, việc “được mùa mất giá, mất mùa được giá” thường xuyên xảy ra ở hầu hết các mặt hàng nông, thủy- hải sản nên ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh, dẫn đến thu hồi vốn chậm là những trở ngại đối với việc đầu tư tín dụng. Việc phối hợp các ngành, các cấp, các đơn vị chức năng trong việc xử lý nợ quá hạn, nợ tồn đọng kéo dài, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ cho ngân hàng còn rất nhiều khó khăn. Một trong những bất cập khác đó là việc cho vay không có đảm bảo bằng tài sản đối với khách hàng là các HTX, chủ trang trại gặp khó khăn vì một phần do vốn tự có của HTX không có, hoặc quá thấp, năng lực quản lý yếu kém, thiếu các dự án hiệu quả, khả thi, quyền sử dụng đất hầu hết không chuyển sang tên HTX mà là tên của từng xã viên, nên trong đầu tư còn gặp khó. Vì vậy, hầu như các HTX không đủ điều kiện khi cho vay. Mặt khác, ngân hàng đã đầu tư trực tiếp đến nông dân nên vai trò của HTX hiện nay khá mờ nhạt, chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng...

Trước những vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng như đã nêu, ngày 9-6-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, với “cơ chế, chính sách” mới phù hợp, thông thoáng, thiết thực hơn.

Nỗ lực cho phát triển

Theo lãnh đạo Agribank Ninh Thuận cho biết, Nghị định 55/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới, khắc phục những hạn chế của Nghị định 41/2010/NĐ-CP như đã đề cập phần trên, như bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm tăng gấp 1,5- 2 lần so với quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Nghị định 55/2015/NĐ-CP còn bổ sung thêm hai nhóm đối tượng được vay vốn không có tài sản bảo đảm, bao gồm: các HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; qui định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Nghị định quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng vay vốn; khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp...

Tàu dịch vụ hậu cần số hiệu NT 91121- TS của chủ tàu Nguyễn Đức Hải và tàu khai thác Kim Anh số hiệu NT 91133-TS của chủ tàu Lê Minh Trí
được đóng mới theo Nghị định NĐ 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: Văn Miên

Có thể nói “dòng chảy” vốn tín dụng cho “tam nông” trên địa bàn tỉnh thực sự được khai thông. Và bằng trách nhiệm, Agribank Ninh Thuận tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, chủ lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng ưu tiên vốn, bảo đảm tỷ trọng cho nông nghiệp, nông thôn theo đúng mục tiêu đã đề ra là từ 75% - 80%/ tổng dư nợ. Cân đối lại cơ cấu đầu tư giữa thành thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp; ưu tiên tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; quan tâm đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp. Trước mắt bố trí đủ vốn cho vay khu vực nông thôn, chương trình đánh bắt xa bờ theo NĐ 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình cho vay trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cho vay hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch theo QĐ 63,65,68 của Chính phủ...

Đồng hành không chỉ là phương châm hành động mà còn là trách nhiệm với nông dân. Chính điều đó sẽ tiếp tục giúp cho đơn vị ngày càng khẳng định thương hiệu và gặt hái nhiều thành công trên chặng đường phía trước.