Chủ tịch MTTQ Việt Nam tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang

Chiều 29/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 10, khóa XIII, tại TP. Bắc Giang.

Tại đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã thông báo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 16 Luật, một số nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hóa Hiến pháp.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với cử tri TP. Bắc Giang. Ảnh: VGP/Hoàng Long

Đồng thời, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc "Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014”; thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Tổng Thư ký Quốc hội; đổi mới hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn; dành thời gian thảo luận các Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng với những định hướng lớn về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước 5 năm tới (2016-2020)…

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều thể hiện sự tin tưởng trước thành công của kỳ họp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri TP. Bắc Giang đã được trực tiếp gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Một số cử tri kiến nghị Quốc hội sớm thông qua luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế; kiến nghị Nhà nước tăng cường tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng; bày tỏ lo ngại về tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng, nhãn mác nhập nhèm khiến người dân chịu thiệt thòi.

Cử tri cũng nêu lên hiện tượng một số thương lái nước ngoài có hoạt động thu mua cau non, nụ thanh long, lá điều gây thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Cử tri kiến nghị cần có chế tài mạnh tay đối với các hoạt động thu mua có tính chất phá hoại này.

Cũng tại hội nghị, cử tri cũng kiến nghị về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các xã trên địa bàn, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn tồn tại.

Ảnh: VGP/Hoàng Long

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hoạt động của tỉnh Bắc Giang trong việc giải quyết tình trạng phân bón giả, cam kết giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản trong hết năm 2017, giải quyết tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, những ý kiến đóng góp, phản ánh của cử tri là rất xác đáng, cụ thể, góp phần nhắc nhở các đại biểu Quốc hội phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trao đổi với các doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có nhiều lợi thế. Đó là lợi thế về con người, chi phí lao động thấp, văn hóa được nâng lên, lao động ngày càng khéo léo.

Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, để cạnh tranh, doanh nghiệp phải nâng cao năng suất, chất lượng qua việc áp dụng những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Các doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở thông tin dự báo thị trường khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các hiệp định thương mại tự do khác. Trước mắt, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần bàn bạc, tìm phương án để nhìn nhận những cơ hội và thách thức trong từng khối ngành hàng để sẵn sàng cho quá trình hội nhập.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay chính là chất lượng an toàn của thực phẩm. Nếu doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thiếu an toàn, thì dù có rẻ thì không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Áp lực như vậy sẽ buộc người sản xuất phải nâng cao chất lượng mặt hàng sản xuất ra và điều này là có lợi cho đất nước, cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ, hiện MTTQ Việt Nam đang thảo luận với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân để xác định trong tiêu chuẩn đạt chuẩn nông thôn mới, có nội dung về sản xuất an toàn và không hủy hoại môi trường.

Bên cạnh đó, trong tiêu chuẩn gia đình văn hóa, cần có nội dung về sản xuất an toàn. Mặt trận đang vận động “ba không”: không trồng và bán rau quả, củ không bảo đảm an toàn thực phẩm; không nuôi và bán gia súc, gia cầm, thủy hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm; không làm ngơ khi biết người cùng thôn, xóm nuôi trồng và bán sản phẩm không an toàn.

Nguồn www.chinhphu.vn