Vấn đề hôm nay:

Biện pháp hữu hiệu kéo giảm tai nạn giao thông!

(NTO) Có thể nói, những năm gần đây tai nạn giao thông (TNGT) được coi là “quốc nạn” bởi mức độ ngày càng nghiêm trọng, không những ảnh hưởng lớn tính mạng, kinh tế của các gia đình nạn nhân mà còn làm suy giảm nguồn lực xã hội về nhiều mặt…

Chỉ tính trong 10 tháng qua, cả nước đã xảy ra trên 18.650 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.264 người, bị thương 16.934 người. Trong đó, chủ yếu là xảy ra trên đường bộ với hơn 18.220 vụ, làm chết gần 7.020 người, bị thương gần 16.720 người; còn lại là TNGT đường sắt và đường thủy.

Đội CSGT Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra, kiểm soát bảo đảm ATGT
trên các tuyến đường nội thành. Ảnh: Văn Miên

Qua phân tích, TNGT đường bộ chủ yếu xảy ra ở các tuyến quốc lộ, nội thị, 68% phương tiện gây tai nạn là môtô, xe máy với các lỗi vi phạm chủ yếu về tốc độ xe chạy, làn đường, phần đường, chuyển hướng, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông…Theo các chuyên gia, TNGT xuất phát từ 2 nguyên nhân chính, một là, do ý thức của người tham gia giao thông kém; hai là, kết cấu hạ tầng giao thông  chưa đảm bảo. Như vậy để giảm thiểu TNGT thì mọi giải pháp đều phải xuất phát từ việc giải quyết hai vấn đề này. Chỉ nói riêng về ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông nước ta còn kém và vốn “không quen” chấp hành pháp luật giao thông như một thói quen cố hữu!. Cho nên, chuyện người dân vượt đèn đỏ hay đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh là chuyện diễn ra thường ngày và trước sự “thờ ơ” thậm chí được sự “làm ngơ” của các cấp chính quyền. Điều đáng trách là vẫn còn có không ít người, trong đó có cả cán bộ, công chức, viên chức… chưa nhận thức thấu đáo phải nghiêm túc thực hiện Luật Giao thông đường bộ, bởi lẽ họ nghĩ rằng hành vi vi phạm sẽ không nguy hiểm cho chính họ…nhưng điều nguy hiểm và tai hại nhất mà ít người nghĩ đến đó là khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì  không những “phá vỡ” tính thượng tôn của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quy tắc trật tự xã hội mà còn gây nên sự “lan tỏa” bất tuân pháp luật cho những người xung quanh…

Việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân là một quá trình lâu dài và trước hết phải bắt đầu từ ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật giao thông của  những người bảo vệ pháp luật, của cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ trí thức. Do vậy, giải pháp mà Chính phủ đưa ra mới đây nhằm ngăn chặn, đẩy lùi TNGT trong cả nước trên cả 3 tiêu chí, trước mắt sẽ là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quy định trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu TNGT. Tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, biện pháp được xem là giáo dục hữu hiệu nhất đó là tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Một trong những biện pháp mà Chính phủ dự định triển khai, đó là tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép; xử phạt cao nhất các hành vi vi phạm điều khiển phương tiện: chạy quá tốc độ quy định, đi sai làn đường, chở quá tải hoặc quá số người quy định, dừng, đỗ sai quy định; xử lý vi phạm quy định về thời gian lái xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định; người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện điều khiển theo quy định; tạm giữ phương tiện do người chưa đủ tuổi điều khiển. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường các biện pháp phổ biến, tuyên truyền phát huy tinh thần tự giác chấp hành pháp luật trật tự ATGT của người dân, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định cấm học sinh điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông…

Một khi đã gọi đúng tên, định đúng mức, mong rằng cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc với quyết tâm cao cùng những quyết sách quyết liệt, khẩn cấp. Và mọi người dân hãy cùng chung tay vào cuộc đấu tranh với “quốc nạn” TNGT, để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng, những cái chết oan uổng được “báo trước” bởi chính những hành vi trái pháp luật khi tham gia giao thông của những người thiếu ý thức!.