Nhớ ơn thầy

(NTO) Thời tiểu học của tôi đã lùi xa, cũng có trên bốn mươi năm rồi, vậy mà hằng năm đến ngày Hiến chương Nhà giáo, lòng tôi lại rộn ràng và bồi hồi khó tả. Ngẫm kỹ, cái tuổi học trò là sống lâu bền nhất trong mỗi cuộc đời.

Bạn có thể quên đi rất nhiều sự kiện, bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, thành bại, có thể chôn vùi mãi mãi những toan tính riêng tư, nhưng tôi chắc rằng bạn không thể nào quên được ngôi trường ngói đỏ có vuông sân xanh mát bóng lá, có thầy cô, bạn bè và những hồn nhiên học trò trong veo như nắng…

Ảnh minh họa.

Và cũng như bạn, tôi vẫn luôn bắt gặp mình với đôi mắt trong veo, tiếng cười vô tư giòn tan và những đôi chân chim sẻ, chim sâu rộn ràng suốt tuổi hoa niên trong hình ảnh thân thương của các cháu học trò. Và bạn bè nữa. Tóc hoa râm rồi vẫn như ngày xưa, vẫn nhắc chuyện cũ lắm, xa lắm mỗi lần gặp lại nhau. Tôi nhớ bạn cười vô tư, nụ cười hi hữu của tuổi quá năm mươi, mà rằng: Sao bây giờ ít thấy người ta viết thư cho nhau thế nhỉ? Cũng đã lâu lắm thói quen ấy đã dần dần biến mất khỏi đời sống. Hỏi nhau rồi cùng nhau cười xòa. Đã lâu lắm, tôi cũng quên cầm bút. Giờ mà có việc gì cần đôi dòng chữ thì cố gắng lắm vẫn không tránh khỏi nguệch ngoặc. Không dám đổ thừa cái bàn phím máy tính, mà chỉ tự trách mình đã quên lời thầy dạy: Văn ôn, võ luyện; nét chữ, nết người.

Thầy cô nào cũng dạy rằng nét chữ là nết người. Muốn làm người thẳng ngay, chính nhân quân tử, có nhân cách và đạo đức cao đẹp thì phải kiên trì tôi luyện. Trước tiên là rèn luyện nét chữ sao cho thẳng ngay, đẹp đẽ. Thầy còn dạy, người ta nhìn nét chữ mà đoán được tính cách, tâm hồn chủ nhân của nó. Việc rèn chữ quả là công phu với cả thầy và trò. Ngày đó nhất thiết ở bậc tiểu học, học sinh không được viết bút bi, mà chỉ được dùng bút mực. Dụng cụ viết chữ gồm có: Quản bút, ngòi bút, bình mực và giấy thấm. Riêng ngòi bút có hai loại: Ngòi bầu và ngòi lá tre. Mực thường dùng là màu xanh hoặc màu tím. Viết được vài chữ phải chấm mực. Nhờ ngòi bút mảnh và nhọn nên đưa được những nét cứng, nét thanh, nét mạnh, nét yếu. Viết bằng bút mực, chữ chân phương và có nét rất đẹp. Tuy nhiên, viết thế này cũng nhiều… phiền toái. Vì là học trò nhỏ hiếu động nên cứ xoay qua, xoay lại là làm đổ mực, lấm áo, dơ sách vở rồi cãi nhau, méc thầy là chuyện cơm bữa… Sau những buổi học, nhiều đứa tím miệng, tím mặt, xanh áo là chuyện thường. Nhưng nhờ vậy mà sau này, nhiều bạn viết chữ rất đẹp và là những người hữu ích cho xã hội.

Nhắc lại chuyện cũ để còn nhớ thuở học trò, nhớ bạn bè, trường lớp và nhất là nhớ về các thầy cô. Kiến thức và những bài học làm người mà thầy cô đã trao truyền luôn là tài sản quý giá trong hành trang cuộc đời mỗi học sinh. “Không thầy đố mày làm nên”, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Thưa, vẫn còn nhiều lắm, những câu nói mà ông cha đã đúc kết trong kho tàng văn hóa dân tộc về vai trò của người thầy như là một sự tri ân chân thành của xã hội đối với người dạy học và nghề dạy học.

20-11 - Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, chúng ta, ai cũng đã từng là học trò, kính nhớ về những người thầy của mình như một lần nhắc ơn, một lần được trở về thời hoa bướm bên ngôi trường ngói đỏ, cây xanh và những bạn bè hồn nhiên như những ngày xưa cũ.