CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Đâu phải bởi mùa... mưa

(NTO) Trong quá trình hình thành và phát triển bất cứ một đô thị nào trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách thường căn cứ vào tiêu chí tỷ lệ tăng dân số mà chuẩn bị chiến lược phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị để phục vụ cho quốc kế dân sinh cho từng giai đoạn.

Ở đâu xa xôi tui còn chưa rành, chứ “cái anh” thành phố be bé xinh xinh này thì tui cũng biết chút đỉnh quá trình phát triển của nó. Trước năm 1975, thị xã có khoảng 60 ngàn dân. Đến cuối 1985 thì dân số trên dưới 90 ngàn, và hiện nay chênh lệch 190-200 ngàn dân… Như vậy chỉ sau 40 năm, dân số của thành phố chúng ta đã tăng hơn 3 lần, trong khi hạ tầng kỹ thuật đô thị (kể cả hệ thống thoát nước thải) chỉ phát triển ở mức độ… khiêm tốn. Chiều dài hệ thống thoát nước (kể cả nước mưa) toàn thành phố chỉ dài 130km!

Thoát nước nội thị vào thời điểm đó, ngoài hệ thống cống ngầm thời… Pháp để lại, thì việc sử dụng các kênh mương nội đô làm 2 nhiệm vụ: Cung cấp nước sản xuất và tiêu úng cục bộ nội đô quả là được phát huy tác dụng tối đa! Hệ thống kênh mương chảy từ Tây sang Đông gồm: Mương ông Cố, mương Chà Là, kênh TT4, kênh Nhị Phước, kênh Tấn Tài… từ vùng trên đổ về chạy khắp các khu vực nội đô. Nếu vào mùa mưa thì các kênh mương này cùng với hệ thống cống ngầm chuyển hết nước thải không chút dồn ứ, tắt nghẽn dòng chảy, để rồi thoát ra sông Dinh… sạch sẽ, chẳng tồn đọng tí nước nào. Phố xá thế là khô như… ngói, mùa nào ra mùa nấy, mưa ra mưa, nhưng sau mưa là… ráo hoảnh!

Tôi còn nhớ như in, vào thời đó, dân cư còn thưa thớt, nhu cầu về nhà ở của cư dân chưa cao, mức độ phát triển đô thị chưa nâng lên tầm… hết sức bức xúc như hiện nay, nên diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn. Các khu vực dân cư ở Phủ Hà thì ngoài mương ông Cố, còn tiêu úng qua cống (có khi gọi là cầu) ông Cọp (đường Thống Nhất) để từ đó thoát nước về kênh Chà Là. Ở Thanh Sơn thì thoát qua các con mương nhỏ khu vực hẻm 3 cây dừa (đối diện Công Ty Thông Thuận) đường Ngô Gia Tự. Ở Đạo Long, Mỹ Hương, ngoài thoát trực tiếp qua sông Dinh còn nhờ khu vực ao rau muống Kinh Dinh dưới chợ Phan Rang tiêu úng… Có vẻ như nước thải sinh hoạt đô thị và nước mưa được “thu tóm” gọn gàng, đổ ra sông Dinh một cách êm thắm!

Thành phố chúng ta xưa nay nằm trong điều kiện khí tượng thủy văn cũng… tương đối dễ chịu, ít mưa thừa nắng. Nhưng có khi đang là mùa hè, lão trời đỏng đảnh bèn… đổ rào cơn mưa xế chiều chừng vài ba chục phút, là phố xá thấy… nước ngay, bởi vì ngay trên những dòng chảy tự nhiên xưa kia hoặc là đã bị lấp bỏ, hoặc là buộc thu hẹp chiều ngang để xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi khác trên đó, dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ một số khu vực dân cư ở Phủ Hà, Thanh Sơn, Kinh Dinh, Đạo Long… Và rồi lượng nước thải sinh hoạt nội thị hiện nay trên 17.000 m3/ngày (theo tính toán), rút không kịp vào hệ thống thoát nên tràn ra một số địa điểm trên các trục đường Ngô Gia Tự, 21 Tháng 8, Thống Nhất… biến thành ao hồ trong khoảng vài ba giờ là chuyện đương nhiên!

Tự nhiên, tui chợt nhớ trong bài hát “Đâu phải bởi mùa thu” của Nhạc sĩ Phú Quang có câu “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”, nay bèn “hát” lại thành: “Nước ứ như hồ, đâu phải bởi mùa… mưa”, mong các độc giả thông cảm!