Cây dược liệu Kim Ngân-cây trồng kinh tế cho vùng khô hạn tỉnh ta

(NTO) Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi vào thăm vườn trồng các loài cây thuốc để sản xuất dược liệu của Dược sĩ Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh tại thôn An Thạnh (xã An Hải, Ninh Phước). Thời tiết nắng hạn kéo dài cả năm nay nhưng cả một vùng rộng lớn trên 2.000m2 được phủ một màu xanh tươi, hoa thơm ngào ngạt của cây Kim Ngân, cây thuốc dùng để sản xuất dược liệu.

Trao đổi với chúng tôi, Dược sĩ Bùi Văn Kỳ cho biết: Qua quá trình công tác và quản lý ngành, biết cây dược liệu Kim Ngân có công dụng chữa được nhiều bệnh, là thành phần không thể thiếu ở nhiều bài thuốc đông y và trong nhiều thực phẩm chức năng. Giá thị trường của hoa cây Kim Ngân hiện nay bình quân 450.000 đồng/kg, có lúc lên đến 1,5-1,8 triệu đồng/kg. Loài cây này mọc rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Ninh Thuận cũng có mùa Thu tiết trời dịu mát, đôi lúc khí hậu se lạnh vào cuối đông-đầu xuân cũng có thể thích hợp cho cây Kim Ngân sinh trưởng và phát triển. Đầu năm 2011, trong chuyến đi công tác tại Hà Nội, anh đã đến vùng dược liệu Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mang cây giống Kim Ngân về trồng thử nghiệm tại vườn nhà.

Bác sỹ Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở y tế (đứng giữa) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
về giải pháp sáng tạo của mình.

Kết quả cho thấy cây Kim Ngân sống và phát triển tốt, cho hoa có chất lượng không thua kém hoa Kim Ngân trồng tại Tam Đảo (kết quả kiểm nghiệm của Viện Dược liệu-Bộ Y tế). Chưa dừng ở vườn nhà, năm 2013, Dược sĩ Bùi Văn Kỳ phối hợp với Hội Đông y tỉnh trồng thử cây Kim Ngân này tại Vườn thử nghiệm tập trung (xã Xuân Hải, Ninh Hải), nhân giống theo dự án GEF SGP tại vườn cũng phát triển tốt. Như vậy, có thể nói rằng cây Kim Ngân trồng tại Ninh Thuận bước đầu đã cho kết quả tốt.

Sau năm đầu thử nghiệm, năm 2013, Dược sĩ Bùi Văn Kì đã thu hoạch và cung cấp 150kg hoa Kim Ngân, 360kg thân, cành, lá cho các doanh nghiệp, nhà thuốc kinh doanh và sản xuất thuốc đông y trong và ngoài tỉnh, doanh thu 85 triệu đồng trên diện tích 300m2. Với diện tích lên 2.000m2, dự kiến năm 2015 sẽ thu hái 300kg hoa và 1.500kg thân, cành, lá để cung cấp cho các nhà thuốc theo các hợp đồng đã ký, với doanh thu khoảng 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí khoảng 80 triệu đồng, lãi 70 triệu đồng trên 2 sào, tương đương 350 triệu đồng/ha.

Nhân công đang thu hoạch hoa Kim Ngân.

Dược sĩ Bùi Văn Kỳ cho biết thêm: Cây Kim Ngân thích hợp trồng trên đất thịt, đất pha cát, cây chịu ẩm, phương pháp trồng đơn giản. Người dân có thể trồng bằng cách dâm cành, cắt những cành khỏe dài chừng 20-60cm, dâm vào bầu hoặc xuống vườn ươm, thời kỳ đầu cần tưới ẩm, cành sẽ sinh trưởng. Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào tháng 9-10 hoặc tháng 2-3. Trồng theo luống, hàng như trồng cà phê, chè… chỉ cần giữ ẩm cho cây bằng cách áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm phun sương vào mỗi tối. Sau hơn một năm trồng, cây sẽ ra hoa, đến năm thứ 2 cây sinh trưởng tốt sẽ ra hoa cả năm, tuổi thọ của cây sẽ kéo dài nhiều năm. Việc thu hái, chế biến đơn giản, bảo quản dễ dàng. Cây Kim Ngân là dược liệu quý tự kháng sâu rầy nên quá trình canh tác không phải xịt thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo cung cấp nguồn dược liệu sạch.

Do nhu cầu sử dụng dược liệu Kim Ngân làm thuốc ngày càng tăng. Hiện nay, Dược sĩ Bùi Văn Kỳ đang phối hợp với Hội Đông y tỉnh chuyển giao cho các hội viên Hội Đông y có nhu cầu trồng cây Kim Ngân. Đối với người dân địa phương, nếu ai có nhu cầu trồng cây Kim Ngân, Dược sĩ Bùi Văn Kỳ sẽ tặng cây giống, hướng dẫn kỹ thuật nhân giống; kỹ thuật canh tác, chế biến và bảo quản sau thu hoạch và giới thiệu các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Ông Đỗ Trung Thu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học-kỹ thuật tỉnh, cho biết: Đề tài Phát triển cây dược liệu Kim Ngân trên vùng đất Ninh Thuận của Dược sĩ Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế, đoạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III năm 2014-2015 và được tuyển chọn dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc sắp tới. Cây dược liệu Kim Ngân có thể nhân rộng và phát triển ở tỉnh ta, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và làm giàu từ trồng cây dược liệu.