Đổi mới tư duy về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Mấy chục năm nay, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã làm và nói nhiều về nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không phải ngay một lúc đã nhận thức rõ ràng, đầy đủ, trái lại phải trải qua thực hành, kiểm nghiệm mới từng bước phát triển.

Thử nhìn lại quá trình:

Trước đổi mới, Đảng ta rất coi trọng nhiệm vụ công nghiệp hóa, nhưng chưa đề cập tới hiện đại hóa.

Đại hội III (1960) chủ trương “công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa” đối với miền Bắc. Đại hội IV (1976) coi “công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (chung cho cả nước).

Sau đổi mới, nhất là từ Đại hội VII (1991) trở đi, công nghiệp hóa mới từng bước gắn liền với hiện đại hóa.

Cương lĩnh 1991 viết: Phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Xin lưu ý, cụm từ dùng trong Cương lĩnh là: “công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại”.

Đại hội VIII (1996) qua Báo cáo chính trị, khẳng định: “Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị những tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đây là lần đầu tiên trong văn kiện, Đảng đề cập trực tiếp nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội IX (2001) với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010, nêu lên mục tiêu: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển,… tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đại hội coi “phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm”. Và “con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự vừa có bước nhảy vọt”.

Đại hội X (2006) chủ trương “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức”, coi “kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Đại hội XI (2011), với Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), coi phương thức cơ bản số một là: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”.

Như vậy là từ Đại hội IX đến nay, Đảng ta không chỉ gắn kết công nghiệp hóa với hiện đại hóa mà còn cho rằng con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, phải gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Đã có thời, do nhận thức không đúng về công nghiệp hóa phải gắn với hiện đại hóa, ta đã có những chủ trương như: phát triển xi-măng lò đứng, nhập công nghệ lạc hậu của các nước phát triển, thậm chí biến nước ta thành bãi rác thải (như có người nói), tận lực khai thác tài nguyên khoáng sản, phát triển ào ạt thủy điện mà ít quan tâm đến bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên,... Cũng từng có chủ trương nhập các công nghệ sử dụng được nhiều lao động hơn là công nghệ cao. Nhưng di hại không phải ít.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII nhấn mạnh: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển…

Dự thảo cũng đề ra việc xác định tiêu chí của nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, cần chú trọng không chỉ những tiêu chí, phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế mà cả những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội và phát triển về môi trường.

Đương nhiên, đó là những vấn đề cần được thảo luận và góp ý kiến sâu sắc.

Riêng tôi, vẫn có điều băn khoăn: Tại sao cho đến nay cụm từ “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” lại chia cách nhau bằng dấu phẩy? Phải chăng chúng ta nghĩ công nghiệp hóa là nhiệm vụ có thể đạt tới trong vài ba thập kỷ, còn hiện đại hóa thì phải có thời gian dài, chưa biết bao giờ làm xong vì khoa học và công nghệ phát triển không có điểm dừng?

Thật ra, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một thực thể hữu cơ không tách rời. Trong thời đại ngày nay không thể có thứ công nghiệp hóa nào mà lại không đi liền với hiện đại hóa.

Vì vậy, tôi đề nghị Văn kiện Đại hội XII thể hiện cụm từ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” bằng dấu gạch nối: “Công nghiệp hóa - hiện đại hóa”. Đây không chỉ thay đổi chữ nghĩa mà là bước đột phá cần có trong đổi mới tư duy về công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay.

Nguồn nhandan.com.vn