Vấn đề hôm nay:

Phòng bệnh hơn chữa bệnh!

(NTO) Gần đây trên địa bàn tỉnh đã rải rác có mưa ở một số địa phương, tuy chưa đủ lớn để khả dĩ có thể tích nước tại các hồ chứa vốn đã cạn kiệt do nắng hạn kéo dài gần 2 năm qua nhưng lại... đủ để phát sinh mầm bệnh, nhất là sốt xuất huyết đã và đang trong thời điểm “hoành hành” tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Y tế Dự phòng-Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận có trên 43.000 ca mắc sốt xuất huyết tại 53/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, ít nhất đã có 25 trường hợp tử vong, chủ yếu vẫn là ở các tỉnh miền Nam và Duyên hải miền Trung. Cũng theo đánh giá của cơ quan nói trên, sốt xuất huyết đã không còn rải rác với mật độ thấp mà đã nâng lên thành dịch và hiện đã lên đến “đỉnh” dịch. Đối với tỉnh ta tuy chưa nằm trong “top” các tỉnh xảy ra dịch, nhất là một số tỉnh lân cận nhưng không vì vậy mà "mất cảnh giác".

 
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân dường như vẫn còn rất chủ quan, thờ ơ với phòng, chống sốt xuất huyết thậm chí là không hợp tác phòng chống mặc dù đơn vị y tế cơ sở có tuyên truyền, nhắc nhở... Hầu như ai cũng biết sốt xuất huyết- nói nôm na- là xuất phát từ muỗi và để phòng ngừa là diệt bọ gậy (lăng quăng) sinh muỗi từ các dụng cụ chứa nước như lu, khạp, các vật dụng có thể tích nước như lọ hoa, đồ hộp, chai lọ... Có không ít gia đình trong nhà thì sạch sẽ nhưng chung quanh nhà, ngoài vườn lại vứt bừa bãi vô hình trung tạo cho muỗi sinh sản, nhất là sau những cơn mưa.

Sốt xuất huyết có thể dẫn đến chết người nếu thiếu kiến thức về bệnh hoặc chủ quan không đưa sớm người bệnh, nhất là trẻ em đến ngay các cơ sở y tế để điều trị. Điều cũng đáng nói là bệnh này khá phổ biến và xảy ra thường xuyên trong năm nhưng lại chưa có vắc xin phòng cũng như không có thuốc đặc trị như những bệnh khác. Do vậy, không có giải pháp nào hữu hiệu hơn là phòng bệnh bằng cách mà ngành Y tế đã khuyến cáo như diệt lăng quăng để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, giữ gìn vệ sinh chung bằng cách thu gom, tiêu hủy các đồ phế thải xung quanh nhà có thể chứa nước, thay nước thường xuyên lọ hoa, vật chứa nước trong nhà... Mọi người có thể tự bảo vệ mình bằng cách tránh không để muỗi đốt; hợp tác chặt chẽ với y tế cơ sở trong việc phun thuốc diệt muỗi khu vực dân cư, từng gia đình,... Đối với ngành Y tế cần tăng cường giám sát để phát hiện nhanh, kịp thời các trường hợp mắc bệnh để xử lý. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ tác hại của bệnh để hợp tác phòng ngừa có hiệu quả.

Thiết nghĩ để thực hiện tốt phương châm: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” rất cần sự hợp tác của các ngành, địa phương và nhất là ý thức phòng bệnh của ngay chính từ từng gia đình người dân trong tỉnh.