Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì họp khẩn chống bão số 4

Trước khả năng cơn bão số 4 đang vào biển Đông có khả năng ảnh hướng đến nước ta, đầu giờ chiều nay, 2/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp khẩn với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các tỉnh để bàn giải pháp ứng phó.

Theo báo cáo nhanh, dự báo bão số 4 (Mujigae) hình thành ngay trên đất liền đảo Ludông (Philippines), di chuyển hướng Tây Tây Bắc, nhiều dự báo quốc tế cho rằng sẽ đi vào khu vực từ Đông Bắc Bộ nước ta vào ngày 5/10. Hiện vị trí tâm bão ở vào khoảng 17 độ vĩ Bắc, 118,3 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10 có xu hướng mạnh dần lên.

Đến nay, các lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 46.049 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với 231.312 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện trên khu vực Bắc biển Đông có 137 tàu/1.287 người, khu vực giữa biển Đông có 564 tàu/4.786 người.

Các hồ chứa phía Bắc hiện đạt 70-90% dung tích thiết kế, các hồ chứa tại Thanh Hóa, Nghệ An đạt 30-65% dung tích thiết kế. Trong khu vực miền Bắc, lúa Hè Thu đã thu hoạch xong, trong khi lúa vụ mùa có 1,1 triệu ha đã trỗ.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các địa phương sẵn sàng phương án bão sẽ đổ bộ đất liền, không được chủ quan khi gần đây có hiện tượng bão vào gần bờ mạnh lên, thiệt hại trong bão không đáng kể nhưng thiệt hại do mưa sau bão thì rất lớn.

Các tỉnh ven biển chú ý vấn đề thông tin, tuyên truyền cho người dân, tiếp tục theo dõi, kiểm đếm nắm bắt tình hình hoạt động của tàu thuyền, thông báo kịp thời, đầy đủ cho các phương tiện, ngư dân biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Khu vực nguy hiểm trong 24h tới được xác định là phía Bắc biển Đông từ vĩ tuyến 15 và Đông kinh tuyến 113.

Phó Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, ven sông ven biển. Chủ động cấm biển trong những ngày tới khi xác định vùng bão đổ bộ và vào gần bờ. Chú ý vấn đề thoát lũ, tiêu nước, bảo vệ hoa màu, giao thông đi lại và thông tin truyền thông.

Đối với khu vực miền núi, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, đặc biệt là mưa lũ, rà soát và sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực hầm lò mỏ than, khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh đã bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.

Các tỉnh tổ chức trực ban, tiếp tục kiểm tra hiện trạng các hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình phòng lũ, sẵn sàng các phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê theo cấp báo động.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại TPHCM

Sáng 2/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã tới dự Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM (giai đoạn 2011-2015) và trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm hai huyện Nhà Bè và Hóc Môn là huyện nông thôn mới.

Tới thời điểm này, sau 5 năm thực hiện Chương trình, TPHCM đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới (50/56 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới), là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng tiêu chí đạt được, tỉ lệ số xã đạt chuẩn và số lượng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới ở Thành phố cũng còn những khó khăn, phải tiếp tục được khắc phục như: Chậm đổi mới các mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao; tình trạng ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự một số nơi còn phức tạp.

Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng đây là những kết quả rất ấn tượng nhờ tư duy đổi mới, vận dụng sáng tạo chủ trương, quan điểm, chính sách chung và điều kiện thực tế, tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong điều kiện nguồn lực của Trung ương rất hạn hẹp, thành phố đã huy động các nguồn lực hiệu quả vào xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí huy động đạt trên 41.800 tỉ đồng, trong đó ngân sách chi một đồng thì huy động được gần 4 đồng, đặc biệt có những chính sách ngân sách chi một đồng thì huy động được 33 đồng từ tín dụng, người dân và doanh nghiệp.

Cho rằng thành công của TPHCM trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với cả nước, Trưởng Ban chỉ đạo đề nghị thành phố tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của thành phố. Phấn đấu giá trị sản xuất bình quân trên một ha và thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 tăng ít nhất gấp 2 lần so với cuối năm 2015.

Cùng với việc hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, thành phố cần chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo; xây dựng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc.

Phó Thủ tướng đề nghị thành phố tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới với cả nước; phát huy tốt vai trò tiên phong, nòng cốt của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người dân chủ động, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.