Thế giới trong tuần

1. Việc Nga quyết định không kích vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria có một tác động không nhỏ tới cuộc khủng hoảng Syria. Mặc dù cho rằng chiến dịch không kích của Nga là nhằm vào các lực lượng đối lập của chính quyền Syria, nhưng sự phản ứng từ Mỹ và các quốc gia châu Âu cũng không quá mạnh mẽ. Nó có thể được lý giải là do thái độ của các quốc gia phương Tây đối với chính thể hợp hiến tại Syria đang dần có những thay đổi. Nhiều nước châu Âu hiện nay cho rằng nên bắt tay với Chính phủ Syria để cùng chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng, tạo lập hòa bình tại Syria thì mới giảm được dòng người tị nạn đến châu Âu.

Như vậy, các vấn đề cấp bách đang buộc các đối thủ phải trở thành đối tác. Báo Người Paris cho rằng, trên bàn cờ Syria, mỗi bên có toan tính riêng, nhưng quan điểm đã gần nhau hơn trước rất nhiều. Mỹ đã sẵn sàng cộng tác với Nga và Iran - hai nước hậu thuẫn chế độ của ông Assad. Pháp vẫn chưa chịu liên minh với Syria, nhưng sau vụ Nga không kích Syria thì đã không còn kiên quyết như trước. Nga thúc giục lập liên quân quốc tế, trong đó tất nhiên là có quân đội Syria.

2. Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP đã khai mạc tại thành phố Atlanta, Đông Nam nước Mỹ. Trọng tâm của Hội nghị lần này là vượt qua các rào cản cuối cùng trong đàm phán TPP. đến lúc này có thể điểm ra 3 bất đồng lớn nhất của Hội nghị: Thứ nhất, đó là tranh cãi xung quanh việc hạ thấp các rào cản thuế quan của Mỹ đối với phụ tùng, phụ kiện ô tô đến từ các nước ở bên ngoài khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản. Nhật muốn Mỹ chấp thuận điều kiện rằng một sản phẩm ô tô sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP nếu mức độ nội địa hoá trong khu vực TPP cao hơn 45%. Tuy nhiên, Mexico và Canada lại phản đối vì tiêu chuẩn hiện tại của khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ đang là 62,5%.

Vấn đề thứ hai là việc mở cửa thị trường nội địa của các nước TPP, đặc biệt là ở 3 nước Mỹ, Canada và Nhật cho các sản phẩm sữa của Australia và New Zealand. Tuy nhiên, Canada dường như vẫn chưa sẵn sàng nhượng bộ trong câu chuyện này.

Vấn đề thứ ba là câu chuyện thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các dược phẩm y tế hữu cơ công nghệ cao. Mỹ muốn áp đặt thời hạn bảo hộ này là 12 năm, trong khi hầu hết các quốc gia khác thời hạn bảo hộ chỉ là 5 năm, thậm chí có nhiều nước là 0.

3. Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày các lực lượng vũ trang Hàn Quốc lần thứ 67, Tổng thống Park Geun-hye nêu rõ: “Triều Tiên sẽ không thu được lợi gì từ những hành động gây hấn và đối đầu” mà thay vào đó “cần hướng tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, sự phát triển chung và thống nhất dân tộc”. Bà cho rằng những tuyên bố khiêu khích của Bình Nhưỡng gần đây phương hại tới bầu không khí đối thoại giữa hai miền và phá hoại những nỗ lực của các nước liên quan nhằm nối lại đối thoại về vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố của Tổng thống Park Geun-hye được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng nhiều lần khẳng định quyết tâm thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa để đưa một vệ tinh lên quỹ đạo vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10-10-2015). Tuy nhiên, Seoul và Washington cho rằng đây có thể là vỏ bọc của một vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng vốn bị cấm theo các nghị quyết của Liên hợp quốc.