Thuận Nam đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

(NTO) Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thuận Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020, đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, khai thác đồng bộ cả về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Thành công của Đại hội đã tạo được không khí thi đua lao động, sản xuất ở các cấp, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết ngay từ tháng đầu, năm đầu của nhiệm kỳ.

Đồng chí Lê Đức Khai, Phó Bí thư Huyện ủy, cho biết: Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, sau Đại hội, Huyện ủy tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, từng cấp ủy viên phát huy tinh thần sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, các cấp, ngành đang tiến hành rà soát, đề ra giải pháp hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2015 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các mặt ngày từ đầu nhiệm kỳ; tham mưu, đề xuất Huyện ủy cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện phù hợp với thực tế của từng địa phương.

 
Nghề chế biến cá hấp ở xã Cà Ná, tạo thêm chuỗi giá trị mới, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện thành công, chúng tôi về xã Phước Diêm, chứng kiến không khí thi đua lao động, sản xuất sôi nổi. Là xã đứng đầu trong khai thác hải sản của toàn huyện, với số lượng tàu thuyền 486 chiếc, tổng công suất hơn 96.000CV, cấp ủy, chính quyền xã xác định lãnh đạo khai thác hải sản có hiệu quả, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, đề ra nhiều cách làm hay, giải pháp có tính sáng tạo. Một trong những việc làm có ý nghĩa thiết thực là Đảng ủy xã chủ trương tập trung củng cố các Tổ đoàn kết khai thác hải sản, vận động tàu thuyền có công suất lớn vươn khơi đánh bắt dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, xã có 45 Tổ đoàn kết đồng loạt ra khơi khai thác vụ cá Nam, thu về lượng hải sản lớn. Từ đầu tháng 8 đến nay, ngư dân khai thác được 10.500 tấn hải sản (chủ yếu cá cơm), bằng tổng sản lượng trong 6 tháng đầu năm. Đồng chí Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Diêm, phấn khởi cho biết: Với đà này, xã sớm hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng hải sản cả năm là 27.700 tấn.

Khai thác tối đa lợi thế so sánh khu vực biển, Thuận Nam đang từng bước khôi phục nhiều ngành, nghề sau một thời gian hoạt động cầm chừng. Các hoạt động chế biến hải sản khởi sắc trở lại, khẳng định được vị thế thương hiệu, tạo thêm chuỗi giá trị mới, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Nếu như xã Phước Diêm chú trọng lãnh đạo khai thác hải sản có hiệu quả, thì xã Cà Ná hướng vào mở rộng các cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá là lợi thế phát triển. Đồng chí Trương Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, Đảng ủy đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá sát với điều kiện thực tế ở địa phương; trong đó, tập trung cho quy hoạch nghề cá hấp, giữ vững thương hiệu nước mắm Cà Ná, nâng cấp các cơ sở đóng tàu đảm bảo đủ năng lực đóng tàu công suất lớn. Hiện nay, 2 cơ sở đóng tàu trên địa bàn đã đảm nhiệm đóng được những con tàu công suất 800CV trở lên, đáp ứng nhu cầu đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt khơi xa của ngư dân.

Bằng nhiều cách làm linh hoạt, Đảng bộ xã Phước Dinh cũng đang chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp, phủ lưới ngăn chim theo hướng VietGAP. Mô hình được anh Võ Văn Sơn áp dụng trong năm 2014 đã hạn chế được dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế, năng suất đạt 15 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất thông thường 5 tấn. Kết quả này tạo cơ sở để Đảng ủy xã lãnh đạo nhân rộng mô hình ở vụ tôm chính năm 2015 lên khoảng 20ha. Thuận Nam có diện tích thả nuôi hằng năm trên 700ha (2 vụ); trong đó, vùng nuôi tôm thuộc Dự án Sơn Hải diện tích trên 180ha, sản lượng thu hoạch trên 1.800 tấn. Nhìn chung hoạt động nuôi trồng thủy sản đã góp phần đáng kể vào nâng cao đời sống cho người dân, có không ít hộ nhờ nuôi tôm trở nên khá giả. Tuy nhiên, gần đây, hộ nuôi tôm chịu nhiều rủi ro do dịch bệnh, môi trường mặt nước bị ô nhiễm. Nhiệm vụ cấp bách sau Đại hội Đảng bộ huyện mà các chi, đảng bộ cơ sở phải làm là lãnh đạo nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, theo hướng bền vững.

Bước vào nhiệm kỳ mới, trong niềm vui phấn khởi, Đảng bộ huyện Thuận Nam đang phấn đấu thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế, tạo được nhiều chuyển biến tích cực để địa phương ngày càng phát triển toàn diện.