Về việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế

1. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 1999 là một chế định kế thừa Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 1985. Có thể nói suốt ba thập kỷ qua, loại tội danh này đã góp phần đáng kể vào việc đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa các loại hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế”. Tuy nhiên, tội danh này khi áp dụng trong thực tế cũng làm phát sinh không ít trường hợp dẫn tới tình trạng “oan, sai”. Vấn đề chính là các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế có rất nhiều và thường được thay đổi cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi giai đoạn. Điều đặc biệt quan tâm là quá trình thừa nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình vừa tuân theo quy luật chung của các quy luật kinh tế về thị trường, đồng thời vừa phải đảm bảo tuân theo quy luật có tính “đặc thù” định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ trước đến nay, các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế được thể hiện dưới dạng các văn bản pháp luật như Luật (do Quốc hội ban hành), Pháp lệnh (do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành), Nghị định (do Chính phủ ban hành), các Quyết định (do Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng; các bộ, ngành Trung ương ban hành) có giá trị áp dụng chung trong phạm vi toàn quốc. Hiện nay, trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Nhà nước ta chưa hệ thống và pháp điển hóa (chưa có Luật Kinh tế riêng) và như vậy, trong suốt chặng đường vừa qua cũng như trong tương lai thì cấu thành cơ bản của loại tội phạm “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là một loại cấu thành mà bất kỳ ai cũng cảm thấy thiếu yên tâm (người kinh doanh, người có hành vi làm trái cũng như người có thẩm quyền xử lý, xét xử) bởi dấu hiệu về khách thể của loại tội phạm này là quá rộng. Việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế mà Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này định hướng là hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp năm 2013.

2. Với việc cụ thể hóa trong 45 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: (1) sản xuất, kinh doanh, thương mại; (2) thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; (3) lĩnh vực kinh tế khác cùng với một số tội danh khác có dấu hiệu cố ý làm trái (như những tội danh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tội danh trong chương các tội phạm về chức vụ) là một bước tiến của khoa học nghiên cứu về khách thể tội phạm, góp phần loại bỏ tình trạng “oan, sai” trong lĩnh vực hình sự mà lâu nay luôn là “nỗi lo” của nhiều người… Việc quy định cụ thể các loại tội “cố ý làm trái” là nội dung rất quan trọng bảo đảm tính công khai, chính xác, minh bạch trong quy định của Bộ luật Hình sự. Điều này giúp cho mọi người nhận thức rõ ràng hơn và việc vận dụng pháp luật để xử lý, đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa và trừng trị có những chuẩn mực cụ thể, khoa học hơn… Tình trạng bỏ lọt tội phạm cần được xem xét nhưng điều lựa chọn hợp lý nhất vẫn là phải có những quy định cụ thể làm chuẩn mực để ứng xử với những hành vi mà sự phức tạp không phải do nhận thức của con người; sự phức tạp bắt nguồn từ những quy định mang tính áp đặt chủ quan hoặc dễ phát sinh sự tùy tiện trong quá trình thực hiện gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội càng đáng quan tâm hơn và cần phải loại bỏ để bảo đảm xây dựng một Nhà nước pháp quyền lấy pháp luật làm nền tảng để quản lý xã hội.

Do đó, khi thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế được thể hiện trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này là một định hướng khoa học. Việc bỏ lọt tội phạm hay không bỏ lọt tội phạm đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cần phải xét theo hai phương diện sau đây:

- Thứ nhất, theo định nghĩa về khái niệm tội phạm và hình phạt từ trước đến nay thì chỉ có cá nhân hoặc pháp nhân (là tổ chức kinh tế) mà phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi Bộ luật Hình sự đã loại bỏ tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì vấn đề “bỏ lọt” tội phạm này đương nhiên không còn nữa.

- Thứ hai, những hành vi vi phạm, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nếu có xảy ra thì đã có chế tài xử phạt hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chuyên ngành…

Từ những phân tích trên, việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế theo Dự thảo Bộ luật Hình sự được lấy ý kiến Nhân dân lần này là hoàn toàn phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước (nhất là phù hợp với nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa) thể hiện trong Hiến pháp năm 2013…