Vấn đề hôm nay:

Văn hóa xử sự !

(NTO) Gần đây, ở một số địa phương trong cả nước nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phải “lên tiếng” kêu gọi mọi người thay đổi thói quen trong ứng xử, giao tiếp; xử sự với nhau có văn hóa với “lời hay, ý đẹp”… Ngẫm lại trong cuộc sống quanh ta bỗng thấy giật mình vì ngày càng có nhiều người trẻ nhưng trong quan hệ xử sự lại rất không văn hóa, trong số này không ít người đang là học sinh, sinh viên thậm chí là ở ngay cấp tiểu học thôi nhưng “mở miệng” ra toàn là những lời lẽ quá…khó nghe!.

Không ít người than phiền rằng, ra đường gặp trẻ nhỏ cũng nên “né”, “chín bỏ làm mười cho xong”, còn nếu như muốn khuyên răn, hoặc “lên lớp” thì cứ y như rằng nhận lại ngay cái nhìn hằn học với những câu nói hỗn láo không thể tưởng được so với lứa tuổi. Rõ nhất là trong văn hóa giao thông, chuyện phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, nẹt bô,... xảy ra như “cơm bữa”. Hay như giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực thay vì bình tĩnh, ôn hòa phân tích đúng sai!.

Người viết bài này đã từng chứng kiến không ít trường hợp thanh, thiếu niên từ điều khiển xe đạp điện, xe máy đến ô tô bất chấp hiểm nguy cho chính bản thân và người đi đường. Thậm chí có nhiều trường hợp va quẹt xe vào người khác nhưng thay vì nói lời xin lỗi thì ngược lại như muốn hành hung người “bị hại” kia chẳng khác nào “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” không bằng!. Trong giao tiếp thường nhật cũng vậy. Thay vì dùng những lời lẽ văn hóa thì không ít người trẻ lại dùng thứ ngôn ngữ rút gọn như... tin nhắn, mở đầu bằng câu chào lai căng nửa ta, nửa tây... nghe rất chướng tai. Thế nhưng đối với họ lại cho là bình thường, có khi còn đắc ý nữa là đằng khác.

Nguyên nhân của thực trạng nói trên đầu tiên là do “nền tảng” giáo dục về nhân cách, lối sống đến xử sự văn minh trong giao tiếp, trong cuộc sống... gần như chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là từ “gốc” gia đình, kế đến là nhà trường và cộng đồng xã hội. Không những vậy “sức đề kháng” của nhiều người trước sự xâm nhập văn hóa độc hại từ phim ảnh, sách truyện, nhất là từ các trang mạng xã hội thông qua Facebook, Internet... dẫn đến tiêm nhiễm từ tư tưởng chuyển hóa thành hành vi. Mặt khác, môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng…

Để xã hội trong lành, tạo nên quan hệ xử sự hướng đến chân - thiện - mỹ, nhân văn... yêu cầu đặt ra là cần xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp giải quyết một cách căn cơ, bền vững. Trong đó, gia đình vẫn là căn bản từ việc giáo dục con em “học ăn, học nói, học gói, học mở” đến quản lý việc sinh hoạt, học tập; chống thói đua đòi, chạy theo lối sống thực dụng, nặng về kinh tế, xem nhẹ các giá trị đạo đức truyền thống. Cùng với gia đình, nhà trường cần trang bị cho học sinh những kỹ năng sống thiết thực, biết giúp đỡ mọi người, khơi dậy lòng nhân ái và tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước cái xấu và cái ác. Xã hội phải đề cao và tôn vinh những tấm gương sống đẹp, sống có trách nhiệm và nghĩa tình, sẵn sàng xả thân vì cộng đồng; tôn vinh và phát huy các giá trị truyền thống và đạo lý của dân tộc…

Làm được những điều nêu trên tin rằng lối sống, giao tiếp, xử sự… thiếu văn hóa, vô cảm trong xã hội sẽ được đẩy lùi. Như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình” vậy.