Phòng chống bệnh bạch hầu

(NTO) Theo thông báo của Viện Pasteur Nha Trang, tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam ), vào tháng 7-2015 xuất hiện chùm ca bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Tại tỉnh ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh, tuy nhiên bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, khả năng lây nhiễm và có tỷ lệ tử vong rất cao.

Bệnh bạch hầu do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh lây lan trực tiếp qua đường hô hấp do tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc người lành mang trùng hoặc qua chất tiết ở các sang thương ngoài da (bạch hầu da). Đường lây gián tiếp qua vật dụng ít gặp mặc dù tìm thấy vi khuẩn bạch hầu tồn tại nhiều tuần, nhiều tháng ở môi trường bên ngoài. Thời tiết lạnh, kèm theo môi trường sống chật hẹp, ẩm thấp, thiếu ánh sáng mặt trời là môi trường bệnh dễ phát sinh. Bệnh thường gặp ở trẻ trên 6 tháng đến 10 tuổi, chiếm đến 75%. Những trường hợp mắc bệnh không được điều trị tử vong vào khoảng 30 – 40%.

Sau thời gian ủ bệnh từ 2 – 5 ngày, xuất hiện sốt nhẹ, trẻ quấy khóc, biếng ăn, da hơi xanh, sổ mũi. Khám cổ họng thấy họng hơi đỏ, có những chấm trắng mờ, rất mỏng, sưng hạch dưới hàm làm cổ bạnh ra. Sau đó, các đốm trắng phát triển thành những đám giả mạc màu trắng ngà, dính vào niêm mạc khó bóc tách, dễ gây chảy máu (đặc điểm quan trọng), lan nhanh khắp họng, mũi, thanh quản gây khó thở. Đồng thời trực khuẩn bạch hầu tiết ngoại độc tố vào máu gây tình trạng nhiễm độc, da xanh tái; độc tố lan đến các cơ quan làm tổn thương cơ tim, tổ chức não - thần kinh, gan, phổi, tuyến thượng thận và thận.

Bệnh bạch hầu gần đây vẫn còn xảy ra ngay ở các nước phát triển. Ở nước ta cũng xuất hiện nhiều nơi và có tỷ lệ tử vong khá cao. Khi toàn quốc thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh giảm dần và nhiều thập kỷ qua hầu như không phát hiện ca bệnh. Bệnh bạch hầu tái xuất hiện lần này có khả năng do tỷ lệ tiêm chủng trẻ em ở vùng đó quá thấp.

Người bệnh bạch hầu vừa khỏi bệnh và người lành mang trùng là nguồn dự trữ chính vi khuẩn bạch hầu. Để phòng bệnh, cần thực hiện hướng dẫn sau:

- Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, trường học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

- Cá nhân và cộng đồng nắm bắt thông tin về bệnh bạch hầu để phối hợp tốt với nhân viên y tế phát hiện sớm ca bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

- Đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương, đặc biệt là các vùng miền núi.

- Khi trẻ bị đau họng nên đưa đi khám bệnh, cần có biện pháp cách ly sớm và chẩn đoán xác định bệnh để điều trị kịp thời, tránh tử vong và lây lan ra cộng đồng.