Đổi mới trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

(NTO) Từ đầu năm đến nay, các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Thông qua tổ chức công tác tiếp dân và đối thoại trực tiếp về những vấn đề Nhân dân quan tâm; nhất là giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm dân chủ.

Cùng với việc tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với Nhân dân để thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, kế hoạch của địa phương; đáng chú ý là việc công khai, minh bạch các chương trình, dự án, công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh… Đơn cử qua tổ chức đối thoại, huyện Ninh Hải công khai cho người dân biết việc triển khai Dự án Nhà máy Điện hạt nhân số 2, tuyến đường ven biển và các dự án phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; huyện Thuận Nam công khai cho người dân biết về triển khai Dự án Tuyến đường ven biển, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân số 1, về bồi thường thiệt hại đất đai, hoa màu, tài sản bị nhiễm mặn trong quá trình hoạt động, sản xuất muối của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long... Ở huyện Thuận Bắc, người dân được thông tin về các dự án Khu du lịch Bình Tiên, Khu công nghiệp Du Long; huyện Ninh Sơn thông báo công khai mức bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình Thủy điện Hạ Sông Pha 1, Sông Pha 2, Thủy điện Thượng Sông Ông, Quốc lộ 27A. Huyện Ninh Phước tổ chức đối thoại nhằm công khai trong bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án Quốc lộ 1A. Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân về Dự án Tái định cư khu Đông Bắc thành phố (K1), công viên biển...

Đặc biệt qua tăng cường đẩy mạnh công tác dân vận, gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở, công tác cải cách hành chính, công tác tiếp dân có nhiều đổi mới. Việc lắng nghe và giải quyết kịp thời những bức xúc chính đáng của Nhân dân đã tác động đến việc ổn định tình hình an ninh trật tự ở các địa phương. Tính trong 6 tháng đầu năm, đã có một số cơ quan, đơn vị tổ chức 24 cuộc đối thoại với 74 tổ chức và 1.441 hộ dân; tiếp nhận và giải quyết 422 đơn; kiến nghị thu hồi về cho ngân sách 2,884 tỷ đồng, 1.842m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 12 tập thể và 44 cá nhân. Đến tìm hiểu việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên các địa bàn huyện, thành phố, chúng tôi được biết nhiều nơi đã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, thực hiện tốt việc công khai, dân chủ trong quản lý, sử dụng các loại quỹ, nhất là các khoản huy động và đóng góp của Nhân dân. Hình thức công khai là thông qua các cuộc họp của thôn, khu phố, đưa vấn đề ra cho Nhân dân thảo luận, lựa chọn, quyết định, đồng thời tham gia trực tiếp giám sát. Từ đó đã huy động được các nguồn lực trong Nhân dân đóng góp xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng trường học... Mặt khác qua thực hiện QCDC ở cơ sở, đã làm tốt công tác hòa giải các mâu thuẫn trong Nhân dân ngay từ cơ sở, góp phần giữ gìn bình yên thôn xóm.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC cơ sở ở tỉnh ta vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn có nơi tổ chức Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội chưa phát huy tốt chức năng đại diện quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Việc tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy ước, hương ước ở một số thôn, khu phố chưa kịp thời; nội dung còn chung chung, chưa thực sự đi vào đời sống. Nhiều nơi có tình trạng Nhân dân ít tham gia các cuộc họp, dẫn đến việc bàn bạc, góp ý, tham gia giám sát trực tiếp của người dân chưa cao. Đáng nói là một số nơi có biểu hiện dân chủ quá trớn; lợi dụng việc khiếu nại theo pháp luật để khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp, gây khó khăn cho chính quyền triển khai các chương trình, dự án...

Để khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế và tiếp tục đổi mới việc thực hiện QCDC ở cơ sở, theo đồng chí Cao Văn Hóa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở, từ nay đến cuối năm tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và dân được hưởng lợi; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy ước, hương ước thôn, khu phố phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở.