Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn về xuất khẩu lao động?

(NTO) Những năm qua, tỉnh ta coi công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một kênh quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững. Thế nhưng, kết quả của chương trình này vẫn rất hạn chế.

Tất bật chăm sóc đàn cừu, anh Đinh Trọng Quý (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam) vẫn không giấu được sự phấn khởi cho biết: Năm 2010, tham gia XKLĐ tại Hàn Quốc, sau 5 năm làm việc, anh đã tích lũy và trả hết nợ vay ngân hàng, mua đất làm nhà, làm trang trại chăn nuôi và còn hơn 1 tỷ đồng làm vốn đầu tư sản xuất. Chị Katơr Thị Oanh (xã Phước Tiến, huyện Bác Ái), sau 5 năm XKLĐ (theo diện 30a) tại Malaysia, đã tích lũy gửi tiền về cho gia đình trả hết nợ ngân hàng, mua bò, sửa chữa nhà ở, mua sắm đồ dùng sinh hoạt và gởi tiết kiệm 140 triệu đồng tại ngân hàng. Qua thời gian làm việc có thời hạn ở nước ngoài, người lao động chịu khó, biết tích lũy đều vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, những người nghèo đi XKLĐ ở tỉnh ta như anh Quý, chị Oanh lại không nhiều. Theo thống kê cả giai đoạn 2011-2015, trong số 6.711 lượt LĐ được tuyển dụng tư vấn, chỉ có 170 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, đạt 29% kế hoạch của tỉnh đặt ra.

Cán bộ phụ trách Lao động – Việc làm tư vấn đến tận nhà tư vấn xuất khẩu lao động
cho thanh niên xã Phước Thắng, huyện Bác Ái. Ảnh; Trang Nhung

Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết: Thu nhập từ mức lương cơ bản của người đi XKLĐ sau khi trừ chi phí và các khoản thu nhập khác, còn lại phần người LĐ có thể tích lũy được như ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc trên 20 triệu đồng/tháng; Malaysia, Trung Đông từ 6-9 triệu đồng/tháng, so với thu nhập của LĐ tại địa phương đây là nguồn thu rất cao. Thời gian qua, tỉnh ta luôn hỗ trợ tối đa cho người LĐ, đặc biệt người LĐ nghèo, người dân tộc thiểu số… có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài từ vay vốn tín chấp ưu đãi, chi phí ăn uống, đi lại, học nghề, làm lý lịch tư pháp... Tuy nhiên, bình quân hàng năm cũng chỉ có từ 20-30 người tham gia XKLĐ. Vì sao?

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do người LĐ chưa “mặn mà” và chưa xem việc XKLĐ là nhu cầu bức thiết để giảm nghèo. Công tác tuyên truyền về XKLĐ ở một số địa phương còn hạn chế; công tác tạo nguồn XKLĐ chưa được quan tâm nên việc vận động người LĐ tham gia XKLĐ không hiệu quả. Về chính sách hỗ trợ cho công tác XKLĐ tương đối tốt nhưng trong quá trình triển khai, một số địa phương chưa thông tin rộng rãi nên nhiều LĐ có nguyện vọng tham gia song không rõ điều kiện để được tiếp cận các nguồn vốn vay và các chính sách khác. Bên cạnh đó, hạn chế về sức khỏe, trình độ, tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp và tâm lý ngại xa nhà cũng là những yếu tố cản trở người LĐ tỉnh ta đi XKLĐ… Mặt khác, do LĐ tỉnh ta không có tay nghề nên thị trường dễ tham gia thì thu nhập thấp, những nước cho thu nhập cao thì chi phí xuất cảnh và điều kiện tham gia khó đáp ứng. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa LĐ đi nước ngoài ít và đều ở ngoài tỉnh nên công tác quản lý gặp khó khăn...

Trong năm 2015 và giai đoạn 2016-2020, XKLĐ vẫn được xem là một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh ta đề ra là tiếp tục ổn định thị trường LĐ ngoài nước hiện có và mở rộng thị trường mới, xác định thị trường trọng điểm, thị trường tiếp nhận LĐ có trình độ phù hợp với LĐ tỉnh nhà. Phấn đấu, bình quân mỗi năm đưa 120-150 LĐ/năm đi XKLĐ sang các nước có nhu cầu. Để đạt được mục tiêu trên, ngành LĐTB&XH sớm tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác việc làm và XKLĐ giai đoạn 2016-2020; xem XKLĐ là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, đoàn thể, gia đình và của mỗi người LĐ. Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo điều hành ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã để triển khai có hiệu quả công tác này. Chủ trì, phối hợp với cùng các ngành, địa phương và hệ thống ngân hàng giúp UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ vay vốn cho người LĐ tham gia XKLĐ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh phí cho người LĐ.

Trước mắt, các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mục đích, ý nghĩa của XKLĐ, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người dân thuộc huyện nghèo Bác Ái. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ; lựa chọn các doanh nghiệp XKLĐ có năng lực, uy tín tổ chức hội nghị tư vấn trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh công tác dạy nghề gắn với XKLĐ nhằm đào tạo lao động có tay nghề, trình độ, hiểu biết pháp luật và phong tục tập quán nước sở tại. Tổ chức hội nghị các doanh nghiệp dịch vụ đưa LĐ đi XKLĐ ở nước ngoài theo định kỳ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả XKLĐ.

Ông Hứa Văn Lang
(thôn An Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải):


Phần lớn người LĐ có nhu cầu đi XKLĐ lại khó khăn về kinh tế nên không thể trang trải được chi phí đi XKLĐ. Đến ngân hàng vay gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ngân hàng chưa thực sự tạo điều kiện cho người LĐ vay vốn tham gia XKLĐ, gây chậm trễ, phiền hà. Đề nghị tỉnh cần quan tâm, có chính sách cụ thể tạo điều kiện cho người LĐ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho XKLĐ. Gia đình có 2 người con tham gia XKLĐ tại Nhật Bản nhưng cũng chỉ vay được một phần chi phí từ ngân hàng do tín chấp nhà cửa và lương hưu của tôi, còn lại gia đình vay vốn tín dụng đen. Tuy nhiên, điều đáng mừng mới qua Nhật 3 năm, các con tôi gửi tiền về trả hết các khoản nợ vay, mua nhà ở TP. Hồ Chí Minh, trung tâm huyện Thuận Bắc.
Anh Trương Minh Uyên
(phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm):


Gia đình tôi thuộc diện khó khăn ở Thuận Nam, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn giải quyết việc làm đi XKLĐ ở Hàn Quốc năm 2010. Sau 5 năm LĐ, trừ tất cả các chi phí, sau khi về nước tôi tiết kiệm được hơn 1,6 tỷ đồng, mua nhà và chuyển về sinh sống tại phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Theo tôi, XKLĐ là một hướng đi tốt trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn. Chỉ cần người LĐ đảm bảo sức khỏe, chấp nhận xa nhà, siêng năng, biết tích lũy… sau 3-5 năm LĐ sẽ có một nguồn vốn tích lũy về nước đầu tư làm ăn.
Ông Hồ Nam
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận:


Qua đối chiếu, trong số 79 LĐ vay vốn đi XKLĐ tại ngân hàng chúng tôi và ngân hàng chính sách xã hội, các LĐ vay đều tích lũy để trả nợ ngân hàng và có số dư gửi tiết kiệm. Vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn với yêu cầu đầy đủ thủ tục hợp pháp, đúng chính sách. Còn mục tiêu mỗi năm XKLĐ từ 120-150 LĐ, theo tôi không phải là khó. Tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, phân công mỗi xã hàng năm thực hiện từ 2-3 chỉ tiêu. Các địa phương làm tốt công tác điều tra, xác định số LĐ thiếu việc làm có nguyện vọng XKLĐ. Trên cơ sở đó tiến hành tư vấn, ký kết giữa người LĐ, chính quyền, doanh nghiệp XKLĐ và ngân hàng là có thể thực hiện đạt chỉ tiêu.
Ông Tạ Quang Minh
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Châu Hưng (doanh nghiệp được Bộ LĐTB&XH cấp phép tuyển dụng đưa người LĐ đi XKLĐ):


Với một tỉnh còn nhiều khó khăn, để XKLĐ trở thành hướng giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao, tỉnh Ninh Thuận cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác XKLĐ. Đặc biệt, sớm ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích người LĐ tham gia học ngoại ngữ, học nghề, vay vốn ưu đãi đủ chi phí xuất cảnh đi XKLĐ. Đồng thời, tăng cường giáo dục định hướng để tạo nguồn LĐ có chất lượng, đủ điều kiện dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập cao.