Những nét mới trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 - 2015

(NTO) Trong 5 năm qua (2011-2015), bên cạnh những khó khăn chung của cả nước thì riêng ở tỉnh ta tình hình hạn hán gay gắt diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Quán triệt Kết luận số 83-KL/TW năm 2010 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 34-CT/TW năm 2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 23-CT/TU năm 2011, Chỉ thị số 52-CT/TU năm 2014 của Tỉnh uỷ về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, động viên toàn dân ra sức khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII giai đoạn 2011-2015.

Trên tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát động thi đua 5 năm, hằng năm và tổ chức kết giao ước thi đua ngay từ tháng đầu tiên của năm công tác. Qua đó, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai kịp thời việc phát động thi đua, tạo khí thế ra quân thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, thiết thực chào mừng ngày thành lập Đảng 3 - 2. Ngoài tổ chức thi đua thường xuyên, các phong trào thi đua chuyên đề được chú trọng đẩy mạnh, gắn với đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các cuộc vận động lớn của Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”,v.v… tạo nên phong trào thi đua sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” triển khai từ năm 2011, tổ chức sơ kết vào năm 2013, có sức lan toả mạnh mẽ, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, huy động các nguồn lực và nhất là phát huy vai trò làm chủ của người dân vào xây dựng nông thôn mới. Phong trào đã giúp đẩy nhanh cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm nắng hạn, lũ lụt ở tỉnh nhà, tăng thu nhập trên mỗi diện tích sản xuất như: Đẩy mạnh phát triển cây nho, táo, hành tỏi và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng giống thuỷ sản có giá trị hàng hoá cao; số hộ nông dân giàu, khá tăng lên, hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập người dân tăng và chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.

Đến tháng 4-2015, xã Tri Hải (huyện Ninh Hải) và xã Thành Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; nhiều xã đã đạt từ 15 đến 18/19 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 11/47 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng Ninh Thuận xanh sạch- đẹp” nhằm xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp, hướng đến xây dựng Ninh Thuận - điểm đến xanh, hấp dẫn và thân thiện. Đây là phong trào thi đua có tính đặc thù đối với tỉnh Ninh Thuận- một tỉnh có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26-270C, lượng mưa ít nhất nước (trung bình 700-800 mm). Phong trào đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị và Nhân dân. Ý thức của người dân về xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp cho bản thân và cộng đồng được nâng lên. Người dân tự trồng cây xanh, làm vệ sinh trước nhà, phần đường phố, đường thôn xóm nơi cư trú, các đoàn thể, Mặt trận ở thôn, khu phố nhận phụ trách xây dựng các tuyến đường văn minh, xanh-sạch-đẹp. Nơi công sở trong doanh nghiệp, các cơ quan, doanh trại lực lượng vũ trang…đều dấy lên phong trào xanh-sạch-đẹp, mà trọng tâm là trồng cây xanh, vườn hoa, giữ gìn môi trường làm việc trong lành. Qua hai năm 2013 - 2014, các huyện, thành phố đã trồng 5.654 cây xanh tại các khu đô thị. Riêng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã trồng 30.047 cây hoa và 7.796 cây cảnh tại các công viên, dải phân cách, các tiểu đảo. Tỷ lệ thu gom rác thải các khu đô thị toàn tỉnh được đạt trên 80%, riêng Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đạt 90%.

Bên cạnh đó, hoạt động của cụm, khối thi đua ngày càng đi dần vào nền nếp, góp phần nâng cao tính hiệu quả, hợp tác cùng phát triển như: Tổ chức giao lưu giữa các điển hình tiên tiến, thi tìm hiểu Luật Thi đua, Khen thưởng, giao lưu thể thao văn nghệ.... Công tác khen thưởng chú trọng hướng về cơ sở. Tỷ lệ khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu năm 2014 đạt 35,28% tăng 2,96% so với năm 2013, riêng khen chuyên đề, đột xuất cho cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu đạt 43,69%. Đặc biệt, trong năm 2015 với tinh thần “Đồng thuận cao-Thi đua giỏi-Về đích sớm”, toàn hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, với quyết tâm cao ra sức thi đua chống hạn, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, duy trì sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Qua phong trào chống hạn, sự nỗ lực vượt khó, tinh thần tự lực tự cường, sức sáng tạo của các lực lượng, nhất là nông dân vùng hạn hán được phát huy cao độ. Người dân đã cùng nhau tìm nguồn nước, tự đầu tư kinh phí đào ao, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm với kinh phí hàng trăm triệu đồng để cứu hoa màu, sử dụng phụ phẩm như rơm rạ, cành, lá nho, bã mía…để giữ vững đàn cừu, dê, bò…tiêu biểu như nông dân Nguyễn Hữu Trị (xã Nhơn Hải, Ninh Hải); nông dân Sành A Lộc, dân tộc Nùng, thôn Nha Húi (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) tự bỏ cả trăm triệu đồng để đào ao tạo nguồn nước cứu hoa màu và chia sẻ nước cho những hộ nông dân khác.

Kết quả đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2011-2015, nhất là đổi mới nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua vừa là bài học và là tiền đề để các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2016-2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII./.