Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt

(NTO) Tiếng Việt là ngôn ngữ, hồn cốt của dân tộc. Qua ngàn năm văn hiến, tiếng Việt được bồi dưỡng, làm giàu thêm về nghĩa. Sức sống của tiếng Việt ngày càng được xác lập, khẳng định, trở thành tinh túy của dân tộc Việt. Nhà thơ Huy Cận đã từng tâm tình rằng:

Nằm trong tiếng nói yêu thương

Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời.

Bước vào thời kỳ hội nhập, cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ, tiếng Việt đã có sự phát triển nhanh chóng trên nhiều phương diện. Theo đó, tiếng Việt được bồi đắp giàu đẹp thêm, song vẫn khó tránh tình trạng dung nạp “ngược”. Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội là ngôn ngữ của giới trẻ. Xu hướng đơn giản hóa khiến không ít bạn trẻ nói, viết ngắn gọn, tinh giản trong cách diễn đạt. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cùng các mạng xã hội là nhân tố góp phần vào biến đổi ngôn ngữ của giới trẻ. Chúng ta dễ dàng bắt gặp cách diễn đạt như wá (quá), bít (biết), hem (không),… Cách viết tinh giản cũng xuất hiện hàng ngày trong tin nhắn điện thoại, nhiều đến mức lâu dần người ta thấy “bình thường”. Cùng với đó là hiện tượng “đèo bồng” tiếng Anh trong giao tiếp làm mờ nghĩa tiếng Việt. Đồng thời, chưa bao giờ tình trạng viết sai chính tả lại đáng báo động như hiện nay. Học sinh viết sai chính tả, viết bằng ngôn ngữ nói, đôi khi lại viết tắt, đi kèm với tiếng Anh lại nhiều như hiện nay.

Sống trong thời đại bùng nổ thông tin và mở rộng giao lưu hợp tác như hiện nay, nhu cầu phát triển tiếng Việt và cách diễn đạt là xu thế khách quan, tất yếu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải gìn giữ nó, quý trọng nó và làm cho nó phát triển rộng khắp”. Và như thế, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm không chỉ riêng của các cơ quan quản lý nhà nước, giới ngôn ngữ học mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là giới trẻ chúng ta.