Đảng bộ huyện Bác Ái: Lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp

(NTO) Là một huyện nghèo, Bác Ái xác định cần tập trung lãnh đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng lấy nông, lâm nghiệp làm trọng tâm để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Nhằm thực hiện mục tiêu trên, năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện chuyển đối cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước chuyển đổi, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Cụ thể, khu vực trồng lúa nước diện tích 1.650 ha được bố trí tại những vùng hưởng lợi các công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, hồ Trà Co, hồ Phước Trung, đập Ô Căm, đập Tham Dú… Bên cạnh đó, trên địa bàn đã hình thành được vùng chuyên trồng bắp lai 1.600 ha, đậu xanh 1.200 ha, khoai mì 500 ha, mía 600 ha, tập trung ở các vùng đất phù sa ven sông, suối, đất thung lũng. Chăn nuôi cũng có bước phát triển mới, đã khai thác tiềm năng đồng cỏ tự nhiên, đưa tổng đàn tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, đạt quy mô 43.500 con, trong đó trâu, bò 18.500 con; dê, cừu 5.000 con; heo 20.000 con.

 
Thực hiện chuyển đổi cây trồng, huyện Bác Ái đã hình thành được khu vực trồng mỳ cao sản tập trung tại xã Phước Đại.

Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế khu vực miền núi để phát triển, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Bác Ái đã tạo ra cuộc “cách mạng mới” về sản xuất nông nghiệp; trong đó, đáng kể nhất là đã nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi phương thức, tập quán canh tác lạc hậu, ý thức tự chủ vươn lên làm giàu. Trước đây, sản xuất nông sản hàng hóa ở Bác Ái chỉ ở mức giản đơn, tự cung, tự cấp vẫn còn phổ biến, thì hiện nay nhờ bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng khu vực; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng cường thâm canh, tăng năng suất, nên tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng nhanh, năm 2014 là 16%. Từ đầu tư thâm canh, từng bước tạo nên các khu vực, xứ đồng, cánh đồng sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ và sản xuất hàng hóa.

Phước Thành là xã điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo được chuyển biến tích cực. Nhận thấy mía là lựa chọn tốt nhất trong chuyển đổi cây trồng, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết chuyên đề phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về cơ sở giúp dân, bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, tạo được sự đồng thuận làm theo. Niên vụ mía 2013 - 2014, Đảng ủy xã chỉ đạo thành lập đoàn công tác đi mời gọi Công ty Mía đường Khánh Hòa đến đầu tư sản xuất 30 mía theo mô hình liên kết “4 nhà”, bằng phương thức: Nông dân góp đất, công lao động; doanh nghiệp đầu tư phân bón, giống, bao tiêu sản phẩm; xã đứng ra bảo lãnh hợp đồng và phối hợp với doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân. Mô hình đạt kết quả cao, nhanh chóng được nhân rộng. Đến nay, toàn xã có 80 hộ liên kết với doanh nghiệp chuyển đổi 100 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng mía, đưa cây mía trở thành cây trồng chủ lực, cho thu nhập ổn định. Cũng là xã làm tốt công tác chuyển đổi, nhưng Phước Bình lại có hướng đi riêng phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa ở địa phương, đó là: Bố trí cây ăn quả theo phương thức trồng xen hoặc trồng tập trung, chú trọng phát triển cây chuối mốc, sầu riêng, xoài, mít nghệ…

Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng đã nâng cao giá trị đơn vị diện tích, tạo thêm thu nhập cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 49% (năm 2011), xuống còn 29,83% hiện nay. Đồng chí Phạm Văn Hoa, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng tập trung nguồn lực khai hoang mở rộng diện tích canh tác tại các vùng chủ động nước, tạo ruộng bậc thang ở vùng quy hoạch trồng cây ngắn ngày như lúa, bắp lai, đậu xanh. Tăng cường công tác khuyến lâm, khuyến ngư nhằm chuyển đổi nhận thức và thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất cho nhân dân địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi.