Chủ tịch nước dự Giao lưu nghệ thuật "Khát vọng đoàn tụ"

Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2015), tối 27/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu tại Chương trình.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mẹ Việt Nam Anh hùng
đến dự chương trình. (Ảnh: TTXVN)

Cùng dự Chương trình có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Trưởng ban Dân Vận Trung ương Hà Thị Khiết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Ngô Xuân Lịch; các mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt đến dự Chương trình còn có 20 đội quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Chương trình, nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh chị em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với nước những tình cảm và lòng biết ơn sâu nặng; lời thăm hỏi ân cần, thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành độc lập cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả; hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và người con đã mãi mãi không còn gặp lại được các người thân yêu nhất của đời mình.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại chương trình. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước nhấn mạnh, với truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công với nước và lấy ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội cùng nhân dân cả nước, đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để động viên, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng chính sách giảm bớt khó khăn, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sĩ. Bằng sự nỗ lực của cả nước, nhiều hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và đưa về yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng quê hương, đất nước. Chúng ta cũng hết sức trân trọng và khâm phục những cố gắng to lớn của các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với nước đã vượt qua những đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục mang sức lực, trí tuệ của mình xây dựng gia đình, quê hương, đất nước rất đáng trân trọng, là tấm gương để mọi người học tập, noi theo.

Theo Chủ tịch nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm nhiều việc để cuộc sống của những người có công với nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công còn gặp nhiều khó khăn; việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại; việc chăm lo giải quyết việc làm cho thương binh, bệnh binh và con em của họ có nơi còn chưa được chu đáo; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... đang để lại nỗi khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; động viên, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần; nhất là với những người, gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, chăm lo, tạo điều kiện để các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với nước tiếp tục tham gia phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ; làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người, nhất là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc và trân trọng, đời đời nhớ ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, người có công với nước; biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực trong việc thực hiện chính sách, giúp đỡ người có công và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng hoa các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại chương trình.
(Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể xã hội, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước. Chủ tịch nước mong muốn, những người có công và gia đình có công với nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, khắc phục khó khăn, luôn vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao hoa tặng các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Chương trình nghệ thuật "Khát vọng đoàn tụ" gồm 5 lớp kịch (trước giờ ra trận; khát vọng đoàn viên; lên đường đi tìm liệt sĩ; đồng đội đưa liệt sĩ trở về với mẹ; hoạt cảnh quy tập hài cốt liệt sĩ), được dàn dựng công phu. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của 5 lớp kịch dựa vào các câu chuyện có thật trên nền những tác phẩm âm nhạc và phóng sự, tạo nên một tổng thể đầy cảm xúc.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
gặp gỡ các Mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: TTXVN)

Xen lẫn giữa những lớp kịch đặc biệt là phần giao lưu đầy xúc động của những người đi tìm đồng đội và quy tập hài cốt liệt sĩ. Đó là câu chuyện cảm động của cựu chiến binh Nguyễn Văn Lệnh đã đồng hành cùng “người bạn” là chiếc xe đạp bao nhiêu năm đi khắp các chiến trường để tìm đồng đội. Đến nay, ông không nhớ nổi đã đi bao nhiêu bao nhiêu dặm trong hành trình tìm đồng đội. Trong chiếc ba lô của ông, lúc nào cũng có sơ đồ mộ chí, thư các gia đình gửi nhờ tìm liệt sĩ, ảnh liệt sĩ và cơm nắm muối vừng, chai nước, dầu xoa, khăn mặt quàng cổ… Năm nay, đã 87 tuổi, nhưng với ông nếu còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục đi tìm đồng đội.

Chia sẻ về công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đại tá Huỳnh Trí (Đội chuyên trách K93, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang), Thượng tá Phùng Ngọc Phương (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An), Thượng tá Nguyễn Văn Chính (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình) cho biết: Trong hành trình đi tìm đồng đội rất khó khăn, gian truân, vất vả, những mỗi khi tìm được hài cốt các liệt sĩ, các anh rất vui mừng. Các anh luôn tâm niệm, khi nào chưa tìm được hết các đồng đội đã hy sinh vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc thì bước chân của những đội quy tập tiếp tục tìm kiếm.

Chương trình nghệ thuật "Khát vọng đoàn tụ" nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng; tôn vinh các Đội quy tập mộ liệt sĩ và những cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, mang đậm tính nhân văn; thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Qua Chương trình tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta làm hết sức mình để thực hiện tốt, có hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Nguồn Báo Tin tức - TTXVN