Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Vĩnh Long có Chủ tịch tỉnh mới

Tại Quyết định 979/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước đó, ngày 16/6, HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII tổ chức kỳ họp thứ 13 (bất thường) để bầu chức danh Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Nguyễn Văn Quang, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Nguyễn Văn Quang sinh năm 1959, quê quán xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Trình độ chuyên môn tiến sỹ, trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Tại Quyết định 980/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lê Quang Trung, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tại Quyết định 978/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trần Văn Rón, để nhận nhiệm vụ mới.

Hỗ trợ vốn cho 36 tỉnh đảm bảo chất lượng giáo dục trường học

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ vốn cho các địa phương thụ hưởng Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP).

Cụ thể, hỗ trợ 89,04 tỷ đồng từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục đào tạo thuộc ngân sách trung ương năm 2015 cho 36 địa phương thụ hưởng Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học để mua sắm hàng hóa theo đúng các hoạt động đã cam kết với Nhà tài trợ. Việc quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành.

36 địa phương được hỗ trợ gồm: An Giang; Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Yên Bái.

Được biết, mục tiêu của Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP) nhằm cải thiện chất lượng giáo dục trường học qua việc xây dựng mô hình dạy học cả ngày, góp phần nâng cao chất lượng kết quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho các nhóm đối tượng.

Nhiệm vụ của SEQAP là xây dựng mô hình dạy học cả ngày, chính sách, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học cả ngày và tổ chức thực hiện thử nghiệm.

Ngoài ra, SEQAP còn tăng cường năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu dạy học cả ngày. Hỗ trợ củng cố và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường chưa đủ điều kiện học cả ngày trong một số tỉnh được lựa chọn, ưu tiên cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người.

Chương trình SEQAP được thực hiện trong 6 năm từ tháng 3/2010 đến tháng 12/2015 trên 36 tỉnh, thành được chọn ở Việt Nam, ưu tiên vùng khó khăn, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Quy hoạch trung tâm logistics trên cả nước

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tốc độ tăng trưởng logistics đạt khoảng 35%/năm

Mục tiêu của Quy hoạch là phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình logistics bên thứ 3 (3PL) nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển thông qua việc tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Từng bước triển khai mô hình logistics bên thứ 4 (4PL) và logistics bên thứ 5 (5PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24% - 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, giảm thiểu chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%. Đến năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt là 34% - 35%/năm, 15%, 65%/năm và 15% - 17%/năm.

Hình thành trung tâm logistics chuyên dụng

Theo định hướng, phát triển các trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế, có vị trí và vai trò là trung tâm gốc tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Từ các trung tâm gốc này, phát triển theo hình rẻ quạt là các trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế; bám sát và hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng, xuất khẩu của các vùng, tiểu vùng và trên các hành lang kinh tế; kết nối với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ, các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hóa tập trung...

Hình thành và phát triển các trung tâm logistics chuyên dụng, trước mắt là các trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn liền với các cảng hàng không, kết nối cùng với hệ thống các trung tâm logistics hạng I và hạng II để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hoặc trung chuyển hàng hóa qua các loại hình vận tải đa phương thức, phục vụ cho đầu vào và đầu ra của sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, trung tâm công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Trong đó, Miền Bắc hình thành và phát triển 7 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 1 trung tâm logistics chuyên dụng gắn liền với cảng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.

Miền Trung - Tây Nguyên hình thành và phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.

Miền Nam hình thành và phát triển 05 trung tâm logistics hạng I, hạng II và 01 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.

DA đầu tư được vay vốn JBIC 12 năm

Cho ý kiến về các dự án đầu tư vay vốn Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Ngân hàng Phát triển Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay JBIC để cho vay đối với các dự án đầu tư có lợi ích Nhật Bản với thời hạn tối đa là 12 năm.

Qua thẩm định của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho thấy, để đảm bảo hiệu quả và khả năng trả nợ thì một số dự án đầu tư vay vốn Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) phải cần thời gian xây dựng và hoàn vốn từ 8-12 năm. Tuy nhiên, thời hạn còn lại của nguồn vốn JBIC là 7 năm (thời hạn hoàn trả toàn bộ vốn vay là 18/9/2022), do đó, các dự án không đáp ứng điều kiện phù hợp với thời gian còn lại của khoản vay JBIC.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Ngân hàng Phát triển Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay JBIC để cho vay đối với các dự án đầu tư có lợi ích Nhật Bản với thời hạn tối đa là 12 năm.

Đối với thời gian cho vay lại vượt thời gian còn lại của nguồn vốn vay JBIC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay theo nguyên tắc Ngân hàng Phát triển Việt Nam tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, cho vay, thu hồi nợ, đảm bảo hiệu quả, đủ bù đắp chi phí, ngân sách nhà nước không cấp bù. Trong thời gian ân hạn (nếu có) Ngân hàng Phát triển Việt Nam tự huy động vốn để trả nợ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quyết định, lựa chọn dự án đáp ứng các điều kiện vay vốn theo Hiệp định đã ký với JBIC đưa vào danh mục vay vốn JBIC để tiếp nhận thẩm định, cho vay trên cơ sở đảm bảo dự án có hiệu quả, có khả năng trả nợ.

Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn 5 dự án của VEC

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và tổng mức đầu tư 5 dự án đường cao tốc của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) theo đúng thẩm quyền, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành.

5 dự án trên gồm: Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án Bến Lức - Long Thành; Dự án Nội Bài - Lào Cai; Dự án TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Về cơ chế Nhà nước hỗ trợ thiếu hụt dòng tiền trong trường hợp nguồn thu của 2 dự án Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đủ trả nợ vốn vay đến hạn, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, cắt giảm các hạng mục chưa thật sự cần thiết của 2 dự án để giảm chi phí đầu tư. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phải tính toán kỹ nguồn thu của từng dự án theo hướng tối ưu hóa các khoản thu (thu phí và các khoản thu khác); trên cơ sở đó chủ trì, thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2015.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính cân đối, bố trí phần vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho các dự án đường cao tốc của VEC trong tổng kế hoạch vốn được giao hàng năm của Bộ Giao thông vận tải theo quy định.

Về nguyên tắc thu phí hoàn vốn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý 5 dự án trên được VEC thu phí, số tiền thu phí sau khi trừ các chi phí hợp lý phục vụ công tác thu phí, sẽ được sử dụng để hoàn vốn cho phần vốn VEC vay lại hoặc VEC tự huy động. Sau khi hoàn vốn cho phần vốn do VEC huy động (cả gốc và lãi) thì dự án sẽ được bàn giao cho Nhà nước theo quy định.

Nhật Bản viện trợ không hoàn lại thực hiện 2 dự án

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại tài khóa 2015.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung và uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản 2 Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp viện trợ không hoàn lại với tổng trị giá 3,306 tỷ Yên Nhật tài khoá 2015 cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện Dự án Cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và Dự án Đầu tư nâng cấp nhà máy nước An Dương, thành phố Hải Phòng - Xây dựng bể lọc công suất 100.000 m3/ngày áp dụng công nghệ lọc tiếp xúc sinh học.

Bộ Ngoại giao thực hiện các thủ tục uỷ quyền theo quy định.

Phê duyệt 8 dự án sử dụng ODA Nhật Bản

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh mục các chương trình, dự án sử dụng ODA vốn vay của Chính phủ Nhật Bản đợt 1 tài khóa 2015.

Danh mục các dự án sử dụng ODA vốn vay của Chính phủ Nhật Bản đợt 1 tài khóa 2015 gồm 8 chương trình, dự án: 1- Dự án xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 (đoạn Bến Thành – Suối Tiên); 2- Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và đường dây truyền tải; 3- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện); 4- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) phần cầu và đường; 5- Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi); 6- Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2; 7- Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC); 8- Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh (EMCC).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công hàm chính thức đề nghị Chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA vốn vay đợt 1 tài khóa 2015 cho 8 chương trình/dự án trên.

Triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014.

Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014 là hai đạo Luật quan trọng, tác động sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, gắn với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai thực hiện hiệu quả hai Luật này là trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm việc thực thi toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các quy định mới của các Luật gắn với việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, việc xây dựng, trình các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai Luật này theo Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ đều đang bị chậm tiến độ. Để có cơ sở cho Chính phủ xem xét, thảo luận về các nội dung nói trên thì cần phải có Báo cáo toàn diện về công tác tổ chức, triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014 để báo cáo Chính phủ xem xét, cho chủ trương triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc, bảo đảm hiệu lực của Luật.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị Báo cáo về công tác tổ chức, triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2015.

Trong đó, báo cáo phải tập trung đề xuất giải pháp tổng thể triển khai thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014; việc thành lập Tổ công tác, chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác để theo dõi, giám sát việc thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014; kết quả rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư năm 2014.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị báo cáo về công tác tổ chức, triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/7/2015 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2015.

Xử lý sạt lở bờ biển Cửa Đại (Hội An)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Những năm gần đây, bờ biển khu vực Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam liên tục bị sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài gần 8km, lấn sâu về phía bờ từ 20m đến 80m, cá biệt có nơi đến 200m, làm mất phần lớn diện tích cồn cát và áp sát tuyến đường giao thông ven biển, uy hiếp nghiêm trọng đến ổn định tuyến đường và một số công trình phụ trợ thuộc các khách sạn, resort, nhà nghỉ dưỡng phục vụ du lịch…

Tỉnh Quảng Nam đã chủ động huy động nguồn lực để xử lý xói lở từng bước ổn định bờ biển bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng và các công trình trong khu vực. Tuy nhiên do ngân sách gặp khó khăn nên Tỉnh có văn bản đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Quảng Nam chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện dự án xử lý sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An nhằm hạn chế sạt lở, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu ven biển thành phố Hội An.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp kỹ thuật phòng chống xói lở bờ biển tổng thể khu vực bờ biển Cửa Đại làm cơ sở triển khai xử lý, bảo đảm ổn định bờ biển, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai trong khu vực

Điều tra toàn quốc về phổ cập dịch vụ điện thoại, internet, nghe – nhìn

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện cuộc Điều tra thống kê toàn quốc hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn năm 2015, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 803/QĐ-TTg ngày 28/6/2012 về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia. (Thời điểm bắt đầu tiến hành điều tra, Bộ kiến nghị từ 0h00 ngày 01/10/2015).

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan rà soát, tổng hợp nguồn số liệu đã có, những mảng số liệu còn thiếu và thực sự cần thiết phải tổ chức điều tra hoặc kết hợp thêm với điều tra các nội dung cần thiết khác. Trên cơ sở đó, hoàn thiện phương án điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2015 làm căn cứ xác định kinh phí thực hiện cuộc điều tra bảo đảm triệt để tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo Quyết định 803/QĐ-TTg ngày 28/6/2012 về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia, Điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe – nhìn, được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tiến hành theo chu kỳ 5 năm đối với điều tra toàn bộ (tiến hành vào các năm có số tận cùng là 0 và 5) và chu kỳ hàng năm đối với điều tra chọn mẫu.

Các cuộc điều tra này sẽ cập nhật hiện trạng sử dụng điện thoại, máy tính, Internet, máy thu thanh, máy thu hình ở các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đoàn thể, chính quyền, trường học, trạm y tế cấp xã; phát triển hạ tầng, mạng lưới của các doanh nghiệp, đài phát thanh và truyền hình. Kết quả điều tra là cơ sở để điều chỉnh, xây dựng và hoàn thiện các chính sách phát triển thông tin và truyền thông ở từng giai đoạn phát triển.

Cuộc điều tra thống kê toàn quốc về hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, internet và nghe-nhìn lần đầu tiên đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành vào năm 2010 với các chỉ tiêu điều tra, thống kê khá tổng hợp. Cuộc điều tra này được thực hiện từ thời điểm 0h00 ngày 01/6/2010, tại hơn 20 triệu hộ gia đình với 80.540.819 nhân khẩu, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các điểm Bưu điện văn hóa xã. 14 doanh nghiệp viễn thông, internet có hạ tầng mạng và cung cấp dịch vụ, 67 đài Phát thanh Truyền hình trên cả nước cũng được điều tra thống kê..