Nghe hát Quốc ca như nghe "Tổ quốc gọi tên mình"

(NTO) Đã là người dân Việt Nam, cách thể hiện tình cảm về quê hương, đất nước có thể khác nhau nhưng tựu trung đều yêu dân tộc, Tổ quốc mình. Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng (ngày 2-9-1945), Việt Nam là nước tự do, độc lập; có Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng năm cánh, có Quốc ca là bài “Tiến quân ca” thì cảm xúc tình cảm về Tổ quốc trong mỗi trái tim người dân Việt trở lên mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Và có lẽ không một ai trong đời mình lại không có những giây phút trái tim trào dâng khi nghe Quốc ca vang lên.

Trong những ngày SEA Games 28 diễn ra trên đất nước Singapo, chúng ta dễ dàng bắt gặp trên các phương tiện truyền thông hình ảnh cầu thủ bóng đá giơ cao cờ Tổ quốc trên đầu mừng ghi bàn thắng vào lưới đối phương hay cầu thủ điền kinh đang chạy dừng lại nghe Quốc ca Việt Nam, vận động viên đạt huy chương trên mình khoác lá cờ Tổ quốc, miệng hát Quốc ca, mắt ngấn lệ… Có lẽ hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, lời hát “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc….” đã thực sự trở thành điểm tựa ý chí và niềm tin, niềm tự hào không chỉ đối với mỗi vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ đoàn thể thao Việt Nam đang thi đấu ở nước ngoài vì màu cờ sắc áo, mà đó là hình ảnh cách mạng, giai điệu âm vang đã trở thành biểu tượng Việt Nam trong trái tim mỗi người dân Việt trên khắp hành tinh này.

Một lần bất chợt, nghe bà mẹ trẻ giới thiệu về cậu bé con mình mới học lớp Một: Cháu xem tivi thấy kéo cờ Tổ quốc, bài Quốc ca vang lên thì đứng dậy giơ tay chào cờ như người lính chào cờ Tổ quốc. Rồi cháu học hát bài “Tiến quân ca”, những lúc cha, mẹ đi đâu về, cháu đứng nghiêm cất giọng “Đoàn quân Việt Nam đi…” rồi nói cha, mẹ giơ tay chào. Câu chuyện thoáng qua như làn gió nhưng tôi như nhìn thấy cậu bé thiếu sinh quân thời kháng chiến oai hùng đang chào cờ Tổ quốc năm nào. Không chỉ cậu bé thiếu sinh quân, lứa học sinh chúng tôi thời kháng chiến chống Mỹ, bài học thuộc lòng nhuần nhuyễn nhất chính là bài hát “Tiến quân ca” và Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Việc chào cờ, hát Quốc ca là nghi thức được tổ chức trang trọng, dưới cờ nhà trường biểu dương các lớp dẫn đầu thi đua (giành cờ đỏ), các bạn học sinh xuất sắc, gương người tốt, việc tốt là học sinh… Có lẽ từ những lần tham gia chào cờ, hát Quốc ca hồi bé con cho đến lúc trưởng thành, hình ảnh lá cờ Tổ quốc, âm hưởng hùng tráng của bài Quốc ca đã nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và niềm tự hào về Đảng, Tổ quốc Việt Nam để sau này họ là những người chiến sĩ anh hùng trên các mặt trận, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giờ đây, khi đã trở thành quy định, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể… vào ngày đầu tháng đều tổ chức chào cờ, cử Quốc ca, triển khai việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhưng ở đâu đó, trong chào cờ vẫn còn sử dụng băng nhạc thay cho hát Quốc ca và có người hát theo, có người không hát. Thiết nghĩ, việc chào cờ, hát Quốc ca không nên nghĩ rằng đó chỉ là quy định của cơ quan, mà trước hết là thể hiện lòng yêu Tổ quốc, đất nước mình. Bỗng nhiên, tôi ước rằng, ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, việc tổ chức chào cờ, hát Quốc ca diễn ra trang trọng và ý nghĩa như thời chúng tôi là những đứa học trò. Chỉ khi mỗi chúng ta cảm nhận được lời bài hát Quốc ca-giai điệu Tổ quốc sẽ nuôi dưỡng lòng yêu nước, yêu chế độ thì nghe Quốc ca vang lên ở bất cứ đâu ta sẽ cảm nhận như nghe “Tổ quốc gọi tên mình”