Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 4-7

* Sự kiện

- Ngày 4 đến 27-7-1954: Hội nghị quân sự tại Trung Giã. Theo quyết định của Hội nghị Giơnevơ được tổ chức sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn đại biểu Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn, và đoàn đại biểu Bộ tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp do đại tá Lennuyơ làm trưởng đoàn, đã họp hội nghị quân sự tại Trung Giã, huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội).Hội nghị đã đạt được những kết quả cụ thể như: giải quyết thỏa đáng vấn đề trao đổi tù binh, và thỏa thuận những biện pháp để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường Việt Nam.

- Ngày 4-7-1978: Ngày thành lập Viện Y học cổ truyền Quân đội. Viện Y học cổ truyền Quân đội là đơn vị đầu ngành về y học cổ truyền trong toàn quân và là một trong 5 cơ sở y học cổ truyền lớn nhất Việt Nam. Phát triển theo mô hình viện - trường để thực hiện 3 chức năng chính là điều trị, nghiên cứu khoa học và đào tạo, Viện đã điều trị có hiệu quả các bệnh bằng phương pháp kết hợp Đông - Tây y như: gút, đột quỵ não, viêm tắc động mạch chi, viêm gan mạn, bệnh về xương khớp, các bệnh về hậu môn trực tràng, nam khoa... Viện đã tạo ra được trên 60 chủng loại thuốc. Hằng năm, sản xuất trên 100 tấn dược phẩm các loại phục vụ điều trị nội và ngoại trú.

- Ngày 4-7-1981: Hội đồng Chính phủ ra Nghị định về việc thi hành Pháp lệnh Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

- Ngày 4-7-1985: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên.

- Ngày 4-7-2009: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất xuất thành công lô sản phẩm khí hóa lỏng LPG đầu tiên. Tại bến cảng xuất sản phẩm, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) xuất 1.900m3 sản phẩm khí hóa lỏng LPG đầu tiên bằng đường biển, đưa đi tiêu thụ tại thị trường nội địa.Việc sản xuất thành công và xuất lô sản phẩm khí hóa lỏng LPG đầu tiên này là một dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật và công nghệ của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm. Ngày 22-2-2009, nhà máy đã sản xuất dòng sản phẩm đầu tiên.

- Ngày 4-7-2011: Khởi công xây dựng Khối thượng tầng giàn đầu giếng H4 thuộc dự án phát triển mỏ Tê Giác Trắng. Kế hoạch phát triển mỏ Tê Giác Trắng gồm một tàu chứa và xử lý dầu khí FPSO và 2 cụm giàn đầu giếng (H1 và H4). Ngoài ra còn có hệ thống đường ống ngầm nội mỏ để vận chuyển dầu, khí, nước bơm ép. Khối thượng tầng H4 là một bộ phận cấu thành giàn đầu giếng H4 nhằm đảm bảo việc gia tăng sản lượng dầu khai thác. Khối thượng tầng H4 có tổng trọng lượng 2.500 tấn, tổng giá trị hơn 44,4 triệu USD. Công trình do công ty CP Kim loại và lắp máy dầu khí (PVC-MS) khởi công xây dựng. Ngày 20-5-2012, khối thượng tầng H4 đã được lắp dựng thành công tại mỏ Tê Giác Trắng.

* Nhân vật

- Ngày 4-7-1994: Ngày mất Bộ trưởng - nhân sĩ yêu nước Bồ Xuân Luật. Bồ Xuân Luật sinh năm 1907, quê ở xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông nguyên Bộ trưởng Canh nông, nguyên Bộ trưởng không Bộ, nguyên Ủy viên Thường vụ Quốc hội từ khóa I đến khóa IV, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... được biết đến là một nhân sĩ yêu nước có nhiều đóng góp đối với việc xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ghi nhận những công lao, đóng góp của cụ, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương "Vì sự nghiệp đoàn kết toàn dân"…

- Ngày 4-7-2004: Ngày mất của Giáo sư Bùi Huy Đáp-Cha đẻ của lúa xuân. Giáo sư Bùi Huy Đáp sinh ngày 15-12-1919 tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông đã đề ra phương pháp kỹ thuật gieo trồng lúa mới để hình thành vụ lúa xuân ngắn ngày cho năng suất cao, thay thế vụ lúa chiêm đã tồn tại hơn 2000 năm trong lịch sử kinh nghiệm truyền đời của nông dân Việt Nam. Ông cũng đã viết, biên soạn, dịch thuật và để lại cho chúng ta gần 100 cuốn sách và rất nhiều bài báo, một số trong đó đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài hoặc đăng trên các tạp chí quốc tế. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền khoa học nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp, Giáo sư Bùi Huy Đáp đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

Theo TTXVN