Hội thảo đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014

(NTO) Ngày 3-7, UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014. Các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Xuân Thủy, Thường trực Tỉnh ủy đến dự.

 
Các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Xuân Thủy, Thường trực Tỉnh ủy dự hội thảo.
 
 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá môi trường kinh doanh, nhấn mạnh một số vấn đề về kinh nghiệm cải thiện PCI trong năm 2014 của tỉnh. Trên cơ sở đó, cũng đã dự báo những khả năng, triển vọng, định hướng và tầm nhìn mới trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực và việc tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp để nâng cao PCI của tỉnh trong thời gian tới. Kết quả trong năm 2014, PCI của tỉnh đạt 56,88 điểm, tăng 2,66 điểm, xếp hạng 43/63, tăng 9 bậc so năm 2013.

Tại hội thảo, các chuyên gia VCCI, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đối thoại, phân tích, đánh giá những mặt được, cũng như những hạn chế về môi trường kinh doanh, mức độ cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong thời gian qua. Qua đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành địa phương có môi trường đầu tư tốt của cả nước, để hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

 
Đại biểu thảo luận  tại hội thảo.
 
 
Toàn cảnh hội thảo đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo và các chuyên gia VCCI, các ý kiến thiết thực của các đại biểu, với mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương coi đây là thước đo khách quan đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm công việc, để tập trung chỉ đạo, đánh giá những việc làm được, chưa được của đơn vị mình, từ đó có giải pháp điều chỉnh kịp thời, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

>> Mời xem video clip: Hội thảo đánh giá kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014

Ông Nguyễn Đình Cung

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Từ khi chỉ số PCI được khảo sát ở các địa phương trong cả nước tới nay, Ninh Thuận là một trong số các tỉnh, thành phố có chỉ số PCI được cải thiện đáng chú ý. Tuy nhiên, nếu phân nhóm điều hành thì chỉ trừ năm 2009, nhờ sự tiến bộ trong cải cách đã giúp tỉnh bước vào nhóm điều hành "khá", còn lại luôn bị xếp vào nhóm các tỉnh có năng lực điều hành tương đối thấp. Để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chỉ số PCI, đưa Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh xếp hạng cao của cả nước, theo tôi thời gian tới, ngoài việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, công khai các tài liệu pháp lý, tỉnh cần chú trọng tới việc phát triển từng bước các dịch vụ hỗ trợ DN gắn với thực hiện các chương trình đào tạo, giới thiệu việc làm... Tỉnh cần triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ, bởi mục đích, giải pháp của Nghị quyết 19 cũng chính là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công tác quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

Ông Đậu Anh Tuấn

Trưởng Ban Pháp chế (VCCI)

Ninh Thuận đang nỗ lực để cải thiện chỉ số PCI là điều được thấy rất rõ. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát cảm nhận của DN cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh còn một số mặt chưa tốt. Cụ thể trong năm 2014, các chỉ số thành phần, như: Gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động..., đã bị tụt giảm điểm số hoặc thứ hạng. Trước thực tế này, chúng tôi cho rằng Ninh Thuận muốn đột phá trong cải thiện chỉ số PCI trước hết phải năng động, linh hoạt trong giải quyết, xử lý các vấn đề phù hợp tình hình kinh tế hiện nay, nhất là phải tăng cường công khai các tài liệu pháp lý và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh của DN. Mặt khác, tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm, rà soát lại toàn bộ các chỉ số liên quan đến ngành mình để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đặc biệt là có thái độ thật sự đồng hành, thân thiện và cởi mở với các DN.

 

Bà Nguyễn Ngọc Lan

Chuyên gia Dự án PCI (VCCI)

Để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh ngay trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng Ninh Thuận cần phải thay đổi quan niệm đề cao tính thành tích trong xếp hạng PCI. Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, tỉnh không chỉ ưu tiên cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài, mà cần phải xây dựng được nhiều cửa mở để các DN nội tỉnh có điều kiện tiếp xúc với thị trường chung của khu vực một cách bình đẳng. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, việc giải quyết các thủ tục đầu tư, tổ chức lại bộ máy hoạt động, nhằm phát huy tốt nhất tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người đứng đầu các sở, ban, ngành trong tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch hành động.


 

Ông Bùi Anh Tuấn

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong việc sử dụng đất”. Đây là một trong số các chỉ số thành phần CPI của tỉnh năm 2014 được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. Do đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ CPI của tỉnh, tạo sức thu hút và “giữ chân” nhà đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư trong tiếp cận mặt bằng do thiếu quỹ đất sạch, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Trước mắt, trong năm 2015, ngành sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ công tác quản lý đất đai, khai thác tốt tiềm năng quỹ đất. Rà soát, cải tiến và tinh giản một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, DN. Ổn định chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, coi đây là biện pháp quan trọng nhằm giúp DN yên tâm đầu tư và đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án. Thực hiện công khai các thông tin về quy hoạch các ngành, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố trên mạng thông tin điện tử để DN, nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận thông tin về đất đai. (file ảnh: Văn Miên gửi)

Bà Lê Thị Thanh Thủy

Giám đốc EDO

Ngay sau hội thảo này, Văn phòng phát triển kinh tế (EDO) sẽ tham mưu Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số CPI của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, đưa Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh có chỉ số CPI cao của cả nước thời gian tới. Trên cơ sở Luật Đầu tư, Luật DN (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2015, EDO sẽ phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh sửa đổi và công khai các thủ tục đầu tư, kinh doanh, quy định về giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa liên thông”, đảm bảo rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình “1 cửa điện tử” tại EDO trong xử lý các thủ tục đầu tư; triển khai cơ chế đăng ký đầu tư qua mạng và thực hiện đề án xây dựng EDO theo mô hình “Một cửa điện tử hiện đại” ngay trong năm 2015... (file ảnh: y kien ba Le Thi Thanh Thuy)

Ông Vũ Hữu Tuân

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Thông qua chỉ số CPI của tỉnh có thể nhận thấy mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thời gian qua có nhiều đổi mới, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho sự phát triển của các DN, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của nền kinh tế, DN trên địa bàn tỉnh vẫn còn vướng nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký đầu tư, thuê đất, xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng, liên kết trong phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp cận các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ DN của tỉnh… Từ đó ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả kinh doanh và cảm nhận của DN về môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phần nào làm cho một số chỉ số thành phần trong CPI của tỉnh tăng, giảm không ổn định. Chính vì vậy, cộng đồng DN mong muốn UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình đầu tư và hạ tầng sau đầu tư (bồi thường, giải phóng mặt bằng, xúc tiến thương mại, liên kết thị trường). Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm đào tạo nguồn lực lao động để DN, nhà đầu tư sử dụng lao động tại chỗ mà không cần phải tuyển dụng từ nơi khác, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. (file ảnh: Văn Miên gửi)