Quản lý môi trường các khu du lịch biển: Thực trạng và giải pháp

(NTO) “Ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, tranh giành, chèo kéo khách, xả chất thải trực tiếp xuống biển… đến quản lý lỏng lẻo đang khiến các khu du lịch (DL) biển trọng điểm của tỉnh ô nhiễm nặng nề, gây bức xúc cho người dân và du khách”. Đây là kết luận của Đoàn kiểm tra do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh vừa tiến hành kiểm tra tại các khu DL trọng điểm ven biển của tỉnh.

Có mặt vào 5 giờ sáng hàng ngày, tại tuyến N1 biển Bình Sơn-Ninh Chử (phía sau Bưu điện Bình Sơn), cảnh tượng đập vào mắt mọi người là một chợ xổm, với những hàng tôm, cá, mực, ghẹ… cả các loại trái cây bày bán ngay trên mặt tiền được xây dựng đẹp hướng ra biển. Chợ xổm này nằm ngay trên điểm tiếp xúc giữa tuyến đường đi bộ ven biển, cách bãi biển vài mét.

Nước thải sinh hoạt được các cơ sở kinh doanh thải vô tư ra đường gây mất vệ sinh và ATGT.
thực trạng cần giải quyết

Người bán lại sơ chế tôm, cá ngay tại chỗ, nước thải chảy tràn lan, bốc mùi nồng nặc. Chưa kể một số hộ kinh doanh “giữ xe, tắm nước ngọt” khai thác nước ngầm để tắm rửa, nước chảy tràn ngập ra cả đường Yên Ninh… Ông Nguyễn Văn Quang, phường Phủ Hà, bức xúc: Đường vào bãi tắm là bộ mặt của khu DL nhưng cảnh bán buôn hải sản hôi tanh; lều quán bán hải sản xả vỏ ốc, sò, tôm, cua… ở bãi biển. Không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn làm ngơ.

Khu vực Vĩnh Hy, Bình Hưng, đây đang được xem là điểm thu hút khách DL lớn nhất của tỉnh ta trong những năm qua, cũng đang trong tình trạng không mấy vui vẻ. Các hoạt động dịch vụ DL trên biển chưa được quản lý chặt chẽ, rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, cả 18 bè kinh doanh ăn uống trên biển (Bình Hưng 12 bè, Vĩnh Hy 6 bè) vô tư xả chất thải trực tiếp xuống biển.

Chợ “cóc” hải sản trên đường đi bộ ven biển gây ô nhiễm môi trường.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở VH,TT&DL, các khu DL biển trọng điểm của tỉnh như Bình Sơn-Ninh Chử, Vĩnh Hy đang mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng. Tình trạng rác thải sinh hoạt lấn chiếm bãi biển, nạn hàng rong, chèo kéo du khách; lấn chiếm làm bãi giữ xe, kinh doanh ăn uống; khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát; thanh niên tụ tập chạy xe lạch lách, ăn nhậu trên đường đi bộ ven biển, công viên biển… đây được coi là “vấn nạn” gây bức xúc và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành DL tỉnh nhà.

Cần có sự vào cuộc quyết liệt

Với bờ biển dài trên 105km, nhiều bãi tắm, vịnh đẹp, DL biển đang trở thành thế mạnh và chiến lược phát triển của ngành DL tỉnh nhà. Trong 6 tháng đầu năm, ngành DL đón 988.506 lượt khách, tăng 48,8% so với cùng kỳ, đạt 65,9% kế hoạch; thu nhập xã hội từ hoạt động DL gần 380 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ, đạt 60% KH. Tuy nhiên, sự phát triển đáng mừng trên cũng kéo theo những bất cập trong quản lý của các ngành, địa phương; sự phối hợp của các doanh nghiệp kinh doanh DL, người dân địa phương, kể cả du khách ở khu vực du lịch ven biển.

Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: Qua thanh tra, kiểm tra, cũng như qua buổi làm việc với các ngành, địa phương liên quan, ngành đã tổng hợp và đề xuất các biện pháp cụ thể để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên trong thời gian tới. Trước mắt, ngành tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cả chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người dân và du khách cần nâng cao ý thức, chung tay xây dựng, bảo vệ các khu DL ven biển đẹp về cảnh quan, sạch về môi trường, đảm bảo về an ninh trật tự. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh DL cần nâng cao ý thức và xem việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp như một hình thức cạnh tranh. Các địa phương trọng điểm về DL cần có biện pháp “mạnh tay” hơn đối với các nhà hàng, khách sạn, resort, khu vui chơi, giải trí gây ô nhiễm môi trường.