Vấn đề hôm nay:

Vốn 67 “nghẽn” ở đâu?

(NTO) Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, thời gian qua tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư đóng mới tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ cũng như làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển... Tính đến nay, tỉnh ta có 13 trường hợp được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đầu tư với tổng số tiền 78,95 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư là 104,5 tỷ đồng. Trong đó, có 3 trường hợp vay vốn đầu tư đóng tàu dịch vụ hậu cần với tổng số tiền 24,85 tỷ đồng, 10 trường hợp khác vay đóng tàu khai thác hải sản, số tiền 54,1 tỷ đồng. Số ngư dân vay vốn tập trung nhiều nhất là ở Ninh Hải với 7 chiếc và Phan Rang-Tháp Chàm 6 chiếc. Điều đáng nói là ngư dân đều đầu tư đóng tàu công suất lớn, trong số này có 6 chiếc công suất từ 800 đến 1.000 CV và 1 chiếc trên 1.000 CV. Về vật liệu vỏ tàu có 1 chiếc vỏ thép, 2 chiếc vật liệu mới (composite) và 8 chiếc vỏ gỗ...

Tàu thuyền của ngư dân thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) khai thác cá vụ nam 2015. Ảnh: Sơn Ngọc

Để thực hiện có hiệu quả việc giải quyết nguồn vốn đúng theo quy định, đồng thời giúp cho ngư dân nhanh chóng bổ sung “nguồn lực” khai thác hải sản, có thể nói Chi nhành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Agribank) đã nhanh chóng có các “động thái” tiếp cận ngư dân được vay vốn theo danh sách để hướng dẫn thủ tục,

tư vấn các cơ sở đóng sửa tàu thuyền trong và ngoài tỉnh, đồng thời tổ chức cho người vay vốn tham quan các cơ sở đóng tàu tại tỉnh Khánh Hòa nhằm giúp cho họ tự khảo sát để đưa ra quyết định chọn cơ sở nào có uy tín, giá thành đóng tàu thấp nhưng chất lượng... Mặt khác, đơn vị còn khuyến cáo “khách hàng” vay vốn cần tìm hiểu kỹ tính năng, tác dụng từng loại vật liệu vỏ tàu phù hợp với nghề khai thác... để tránh lãng phí chi phí đầu tư nhưng hiệu quả thu lại không cao. Đồng thời cũng cần có bước chuẩn bị kỹ về vốn tự có để tham gia triển khai dự án đúng tiến độ. Về phía ngân hàng cũng đã cam kết sẽ giải ngân đúng thời hạn nhưng bảo đảm nguyên tắc của ngành và sẽ ngừng giải ngân khi phát hiện có những vấn đề không trung thực trong việc sử dụng vốn sai mục đích... Đây là giải pháp để tránh vết “xe đổ” của một số dự án cho vay đóng mới tàu thuyền trước đây.

Tất cả đã sẵn sàng, tuy nhiên đến cuối tháng 6-2015 vẫn chưa có trường hợp nào được vay vốn. Vậy số vốn bị “nghẽn” tại đâu?. Theo tìm hiểu có những lý do sau: Một là do vướng về thiết kế vỏ tàu, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có thiết kế mẫu đối với các vỏ tàu vật liệu mới và vỏ gỗ nên các chủ dự án phải tự chủ động thuê tư vấn thiết kế, thuê thẩm định dự án để xác định tổng mức đầu tư dự án làm cơ sở hợp đồng thi công cũng như xác định phần vốn đối ứng. Chính vì lẽ đó đã làm thời gian thực hiện dự án kéo dài, nâng tổng mức đầu tư dự án lên cao và “vô hình trung” đã làm tăng “gánh nặng” đối ứng tài chính của ngư dân. Hai là, thực tế hiện nay, hầu hết tài sản ngư dân đều tập trung vào đầu tư nâng cấp thuyền nghề, trong khi đó yêu cầu của ngân hàng là chủ đầu tư phải đối ứng vốn vay theo tiến độ đầu tư. Đây chính là điểm “nghẽn” mà hầu hết ngư dân có nhu cầu vay vốn đều vướng. Để tháo gỡ chỉ có cách là bán tàu nghề hiện có để lấy vốn và chấp nhận “thất nghiệp” hoặc là làm thuê trong thời gian đầu tư tàu trước khi quay lại làm chủ trên con tàu mới của mình. Mà điều này thì ít có ngư dân chấp nhận bởi thu nhập của từng chuyến biển không chỉ bảo đảm cuộc sống gia đình, mà còn là “vốn” tích lũy của chính họ để tái đầu tư.

Suy cho cùng, có tháo gỡ những khó khăn nêu trên mới mong thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ thông suốt được.