Anh Phạm Văn Phước say mê nghiên cứu giống nho mới cho nông dân

(NTO) Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, anh Phạm Văn Phước, quê Phước Dân, huyện Ninh Phước về nhận công tác tại Phòng nghiên cứu Di Truyền giống, Viện nghiên cứu bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố.

Từ nghiên cứu viên, anh đã trưởng thành đến nay giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển Công nghệ thuộc Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Tại đây, anh đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống nho mới giúp bà con nông dân tỉnh nhà chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho thu nhập cao.

Nắm bắt quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận, dự tính đến năm 2020 diện tích trồng nho toàn tỉnh tăng lên khoảng 2.200 ha. Trong đó, giống nho mới chất lượng cao khoảng trên 1.000 ha, còn lại là giống nho đỏ Red Cardinal. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới để chọn tạo ra giống nho mới, có năng suất, chất lượng cao, kịp thời chuyển giao cho bà con nông dân sản xuất. Trên cơ sở từ vườn tập đoàn lưu giữ trên 130 mẫu giống nho, trong những năm qua, nhóm nghiên cứu do anh chủ trì đã thực hiện việc đánh giá khảo sát các giống nho có triển vọng nhằm bổ sung vào cơ cấu giống mới, đa dạng hóa sản phẩm nho tại Ninh Thuận. Việc đánh giá các giống nho được tập trung vào đặc tính sinh học của giống, khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái tại Ninh Thuận. Từ những đánh giá về đặc tính sinh học qua nhiều vụ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành công tác khảo nghiệm DUS (đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng), khảo nghiệm VCU (đánh giá giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống mới như: năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất thuận…). Qua việc đánh giá, khảo nghiệm, đã giới thiệu được một số giống nho mới có triển vọng trong sản xuất như: NH01-152; NH01-153; NH01-138. Trong đó, tiêu biểu hơn cả là giống nho ăn tươi NH01-152 có nguồn gốc từ Nhật Bản, được nhập nội và được lưu giữ tại vườn tập đoàn của Viện nghiên cứu bông từ năm 2005, giống nho này có tên giống ban đầu là Mariaue Finger. Giống nho mới NH01-152 có đặc tính: Hình dạng quả bầu dài, vỏ dày, thịt quả chắc, cuống chùm, cuống quả dài, chùm quả lớn, dạng chum thon dài, khối lượng chum từ 0,5 - 1,0 kg; màu vỏ quả khi chín đỏ tươi rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có độ đường từ 16 - 18oBrix (tùy vụ và điều kiện canh tác), hương vị thơm nhẹ đặc trưng riêng; Thời gian từ cắt cành đến tận thu: từ 112-120 ngày, năng suất trung bình từ 13-17 tấn/ha/vụ, trong điều kiện thâm canh có thể đạt từ 18-20 tấn/ha/vụ.

Trên cơ sở một số kết quả nghiên cứu về giống nho mới NH01-152 từ những năm 2006-2010 tại Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Từ năm 2011 đến nay, nhóm nghiên cứu của Viện do anh trực tiếp thực hiện đề tài nghiên cứu “xây dựng quy trình kỹ thuật trồng giống nho mới NH01-152 theo tiêu chuẩn VietGap” với quy mô diện tích 1,0 ha tại 5 địa điểm thuộc huyện Ninh Phước. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, giống nho mới NH01-152 có nhiều đặc tính nổi trội, quả to (6,2-6,7g), năng suất bình quân đạt 15-18 tấn/ha, có phẩm chất tốt (độ Brix trên 16%), có mùi vị thơm ngon, màu sắc và mẫu mã đẹp, có khả năng chống chịu được sâu bệnh tương đương hoặc cao hơn đối chứng giống nho Cardinal và NH01-48, chịu thâm canh cao và thích nghi điều kiện khí hậu của tỉnh Ninh Thuận. Sau khi nghiên cứu và triển khai thực nghiệm thành công, Trung tâm đã chuyển giao giống nho mới đi kèm với mô hình thâm canh phù hợp, tạo điều kiện phát triển sản xuất nho bền vững. Bước đầu cho thấy, giống nho mới NH01-152 có năng suất cao hơn so với đối chứng NH01-48 và Red Cardinal từ 10 đến 30%, tăng hiệu quả kinh tế hơn so với 2 giống nho trồng đại trà hiện nay từ 20 đến 50 triệu đồng/ha/vụ. Đồng thời, chất lượng và mẫu mã của giống nho NH01-152 vượt trội so với giống nho đỏ Red-Cardinal. Do vậy, việc trồng giống nho mới NH01-152 nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng; góp phần thúc đẩy diện tích trồng nho; đồng thời tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo công ăn việc làm mới, góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh.

Việc nghiên cứu, chuyển giao giống nho mới do anh làm chủ đề tài giúp bà con nông dân gia tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường và góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Với việc nghiên cứu, ứng dụng thành công giống nho mới cho hiệu quả kinh tế cao, Phạm Văn Phước trở thành nhà khoa học chân đất của bà con nông dân tỉnh nhà.