Chú trọng phòng ngừa, kiểm soát tai nạn lao động

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động. Nhiều ý kiến tán thành mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày cho biết: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động và đề nghị quy định một số chính sách cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động. Một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động, đề nghị làm rõ vai trò hỗ trợ của nhà nước, nguồn lực thực thi chính sách; quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động để bảo đảm tính khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, hiện nay, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn, vệ sinh lao động và huấn luyện cho người lao động làm việc trong ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đã được thực hiện và bố trí nguồn lực thông qua Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015. Trên cơ sở này, theo quy định của Luật Đầu tư công, giai đoạn tới cần xây dựng Chương trình mục tiêu về an toàn, vệ sinh lao động tập trung cho nhóm lao động trong khu vực không có quan hệ lao động.

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, nội dung dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động được tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội lần này đã làm sâu sắc quan điểm: Công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Điều này càng có tính thời sự khi cuối năm ngoái và đầu năm nay trên cả nước đã xảy ra những vụ tai nạn lao động rất thương tâm gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhiều đại biểu tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động vì đây là khu vực có rất nhiều người lao động. Theo đó, quy định cụ thể các chính sách đối với người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động như quyền và nghĩa vụ của người lao động; chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; khuyến khích người lao động nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung 2 chính sách trong chính sách bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, thể hiện tính nhân văn và nhân đạo trong Luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động.

Đại biểu Trần Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao dự thảo Luật đã đặt lên hàng đầu nguyên tắc ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát tai nạn lao động. Đại biểu Trần Thanh Hải đề nghị, Quốc hội xem xét bổ sung nhiệm vụ tại khoản 2, Điều 9 đề nghị người lao động thực hiện đúng quy định an toàn vệ sinh lao động, đồng thời đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 8 là khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức cho người làm trong nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm.

Về trợ cấp đối với người lao động khi xảy ra tai nạn lao động, đại biểu Trần Thanh Hải đề nghị, trợ cấp lao động không phân biệt lỗi do người lao động hay người sử dụng lao động. Đồng thời, phải xử lý đúng mức, kịp thời và nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân, người gây ra tai nạn nghiêm trọng; thanh tra an toàn vệ sinh lao động cần đầu tư thêm đơn vị cấp huyện mà có công nghiệp phát triển. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật này cần ưu tiên công tác phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát tai nạn lao động.

Đại biểu Trần Thanh Hải băn khoăn: “Việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ hiện nay còn nhiều hạn chế, kết quả năm 2014 giảm mạnh so với năm 2013. Đây là một nội dung mà thanh tra lao động phải đặc biệt lưu ý, nhất là với nhóm nghề nặng nhọc nguy hiểm”.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cũng cho rằng, dự thảo Luật mới chỉ quy định điều tra tai nạn lao động và sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng mà thiếu điều khoản quy định về điều tra về bệnh nghề nghiệp. Đại biểu Nguyễn Minh Phương đề nghị bổ sung thêm để phù hợp với công ước quốc tế về nội dung này mà Việt Nam đã thông qua. Đại biểu cho rằng, việc bổ sung này là cần thiết để phục vụ yêu cầu của bảo hiểm xã hội về tính chính xác của hồ sơ chi trả, bồi thường bệnh nghề nghiệp; đáp ứng yêu cầu của cơ quan thanh tra lao động đối với các cơ sở có các yêu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp nhưng không thực hiện theo yêu cầu của pháp luật để khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp, đồng thời là căn cứ khi có yêu cầu khiếu nại của người lao động và đại diện người lao động.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) thì kiến nghị bổ sung trách nhiệm của công đoàn cơ sở vào dự thảo Luật, trong đó có nội dung “giúp người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm hại”. Đại biểu Hương cho rằng, dự Luật cần làm rõ hơn trách nhiệm, thời gian thông báo về sự cố an toàn lao động, tránh tình trạng giấu nhẹm hoặc thông báo chậm trễ, hạn chế hiệu quả xử lý tai nạn lao động... Ngoài ra, cần có thêm một số nội dung nhằm minh bạch hóa việc thu - chi của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; có chế tài đảm bảo quỹ này thực sự là do người sử dụng lao động đóng vào mà không phải là trích lại từ lương của người lao động.

Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị, nhà nước hỗ trợ 1 phần chính sách với người tham gia bảo hiểm tự nguyện trong khu vực không có quan hệ lao động.

Trước đó, đầu giờ sáng nay, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Đại diện cơ quan thẩm tra - Thường trực Ủy ban kinh tế cho rằng, thống kê là loại hình dịch vụ đặc biệt mà sản phẩm của thống kê có thể tác động lớn đến kinh tế - xã hội, có tính chất dẫn dắt, định hướng xã hội. Do vậy, đề nghị nên đưa hoạt động thống kê ngoài nhà nước vào loại hình kinh doanh có điều kiện. Ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh hoạt động thống kê nhà nước, còn hoạt động thống kê ngoài nhà nước nên được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành khác.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam