Cấp xã không nên được ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo
Luật Ban hành VBQPPL. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị bổ sung 2 nguyên tắc trong xây dựng, ban hành VBQPPL, thứ nhất, đảm bảo có đủ văn bản quy định chi tiết, và hướng dẫn thi hành trước khi các luật có hiệu lực vì từ khi luật được thông qua cho đến khi luật có hiệu lực thi hành thời gian khá dài; thứ hai, không được quy định thêm hoặc mở rộng so với VBQPPL, để tránh tình trạng văn bản dưới luật không phù hợp với luật hiện hành.

Đại biểu Trần Hồng Thắm (TP.Cần Thơ) tán thành với tên gọi của Luật là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phân biệt với các văn bản của Nhà nước; đồng thời đề nghị cấp huyện được ban hành VBQPPL vì cho rằng, để đảm bảo chính quyền cấp huyện thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ được giao, và để phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tuy nhiên phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản và theo hình thức văn bản nào? Cùng với đó cần quy định chặt chẽ phạm vi điều chỉnh, quy trình ban hành văn bản nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng hiện nay cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản, nhưng nội dung lại sao chép với văn bản cấp trên.

Đại biểu Trần Hồng Thắm cùng nhiều đại biểu khác cũng đề nghị không nên quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL cấp xã vì sẽ càng làm cho hệ thống pháp luật phức tạp, nhiều tầng lớp, khó kiểm soát từ phía các cơ quan Nhà nước cấp trên, ảnh hưởng đến sự quản lý, điều hành thông suốt từ trung ương đến cơ sở.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL, vì cho rằng thực tế thời gian qua, ở nhiều địa phương đã không ban hành VBQPPL hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản của cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên...

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần làm rõ khái niệm quy phạm pháp luật, đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh gây nhiều cách hiểu khác nhau. Hầu hết người làm thực tiễn, nhất là ở địa phương, cơ sở khi phải phân biệt VBQPPL với các loại văn bản khác, gây khó khăn trong ban hành, quản lý; đồng thời cần phải phổ thông hóa thuật ngữ quy tắc sử dụng chung; cần làm rõ thế nào là “áp dụng nhiều lần”.

Mặt khác, đại biểu Hồ Thị Thủy đồng tình dự thảo Luật cần phải có 1 điều quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành VBQPPL (Chịu trách nhiệm như thế nào? và chịu trách nhiệm trước ai) nếu không thực hiện đúng trách nhiệm của mình làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng ban hành VBQPPL.

Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục duy trì hình thức Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do đặc thù của hệ thống chính trị nước ta, có tổ chức chính trị - xã hội vẫn được giao một số nhiệm vụ tham gia quản lý nhà nước, như Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Một số ý kiến khác đề nghị không quy định hình thức văn bản liên tịch này.

Về thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình, có ý kiến đề nghị quy định rõ vai trò của cơ quan thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo hướng phát huy vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp. Quy định này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định dự án, dự thảo.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam