Thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(NTO) Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước vào sự nghiệp cách mạng nước ta. Người nói "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.

Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước". Kế thừa truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc, Người đã khởi xướng và lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc động viên sức mạnh toàn dân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa và quà lưu niệm cho đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng,
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại lễ kỷ niệm 65 năm (11/6/1948-11/6/2013)
Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát động phong trào thi đua ái quốc, sau khi thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước, nhân kỷ niệm 1000 ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), ngày 11 tháng 6 năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động cuộc vận động thi đua yêu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, khắp mọi nơi từ tiền tuyến đến hậu phương, miền núi đến đồng bằng, nông thôn đến thành thị, nông dân, công nhân, trí thức, bộ đội, thanh niên, thiếu nhi, các bô lão…đều nô nức ra sức ra thi đua thực hiện ba mục đích của thi đua ái quốc là “Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt nát, Diệt giặc ngoại xâm”. Nhờ vậy, mà sáu năm sau đó, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nghìn việc tốt”… đã góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua 67 năm (1948-2015) kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, tư tưởng của Người về thi đua yêu nước vẫn là kim chỉ nam cho phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới. Bác chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau-Làm cho tốt-Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo… đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá” với cách làm là dựa vào: “Lực lượng của dân, Tinh thần của dân. Để gây hạnh phúc cho dân” đang là nhiệm vụ thi đua của các ngành, các cấp của toàn dân. Người kêu gọi: “Người người thi đua/Ngành ngành thi đua/Ngày ngày thi đua/Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua”. Với cách viết vừa giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện vừa sâu sắc, toàn diện, lời kêu gọi thi đua của Bác có sức lan toả sâu rộng, lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc mọi ngành, mọi cấp, mọi người cùng nhau thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người dạy, thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Từ trước tới giờ, ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, ở, mặc cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm đau. Xưa nay ta vẫn làm ruộng, nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy". Bác chỉ rõ rằng, thi đua không thể là nhất thời mà phải trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu thì đuối sức. Có nơi các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"; hoặc không đúc rút, trao đổi kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở. Điều quan trọng nhất trong thi đua yêu nước là phải xác định được nội dung của phong trào thi đua. Phong trào càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt càng cao, cần có phương pháp, khẩu hiệu thiết thực, rõ ràng, định hướng cho phong trào thi đua kiên quyết chống bệnh hình thức, động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng vật chất xứng đáng, kịp thời. Tư tưởng của Người về thi đua yêu nước luôn được Đảng và Nhà nước ta phát triển và vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Phong trào thi đua yêu nước luôn luôn là động lực tinh thần quý báu, động viên sức mạnh tổng hợp toàn dân, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước, tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên thế giới.

Thực hiện thi đua yêu nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sau ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận đến nay, phong trào thi đua yêu nước tỉnh nhà thường xuyên có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân đã góp phần vào những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Các phong trào thi đua được tổ chức thường xuyên, liên tục như phong trào “Toàn dân làm kinh tế giỏi”, “Dân vận khéo”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân chung sức Xây dựng Nông thôn mới”, “Toàn dân chung sức Xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp”…gắn với việc “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”…tạo nên phong trào thi đua sâu rộng. Đặc biệt giai đoạn 2011-2015, phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Đồng thuận cao, Thi đua giỏi, Về đích sớm” đã góp phần vận động các ngành, các cấp cùng toàn dân, đoàn kết phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường phấn đấu đạt nhiều thành tích quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, như: Quy mô nền kinh tế bằng 1,7 lần so giai đoạn trước, tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng bình quân 5 năm 11,2%/năm; trong đó: nông - lâm - thuỷ sản tăng bình quân 5,9%, công nghiệp-xây dựng tăng 15,7 %, dịch vụ tăng 12,5%. thu ngân sách tăng gấp 2,03 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,45 lần so năm 2010, giải quyết việc làm mới đạt 79 ngàn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 50,4%, trong đó đào tạo nghề 33,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,95%/năm, xuống còn 5,73%, tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia 30,6%, đạt 7 bác sỹ/1 vạn dân…Với những thành tích xuất sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba. Phần thưởng cao quí của Đảng và Nhà nước tặng thưởng cho quê hương Ninh Thuận là niềm vinh dự tự hào để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Ninh Thuận tiếp bước trên chặng đường mới, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Nhằm ghi nhận truyền thống thi đua yêu nước và tiếp tục thực hiện tư tưởng của Bác Hồ về thi đua ái quốc, ngày 04 tháng 3 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg, lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Tự hào về truyền thống thi đua yêu nước do Đảng, Bác Hồ khởi xướng và lãnh đạo, mỗi tổ chức, tập thể, cá nhân hơn lúc nào hết cùng nhau ra sức thi đua như lời Bác Hồ dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI.